Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch khôi phục hệ sinh thái của 15 hồ lớn đang xuống cấp trên cả nước vào năm 2024.
Một lực lượng đặc nhiệm do tổng thống bổ nhiệm cũng được thành lập để thực hiện kế hoạch cứu hồ.
“Việc cứu các hồ ưu tiên quốc gia này là một nỗ lực nhằm kiểm soát thiệt hại, duy trì, khôi phục và phục hồi các điều kiện và chức năng của các vùng nước hồ, khu vực lưu vực nước và biên giới hồ sao cho chúng có lợi cho phúc lợi của cộng đồng một cách bền vững”, sắc lệnh do Tổng thống Joko Widodo ký ngày 22/6 cho biết.
Các hồ từ lâu đã bị suy thoái sinh thái, chủ yếu là trầm tích, dẫn đến việc chúng bị thu hẹp nhanh chóng và suy giảm đa dạng sinh học. Điều này lại gây ra những hậu quả về môi trường, kinh tế và văn hóa – xã hội.
Năm 2019, Bộ quy hoạch đã công bố 15 hồ trong tình trạng nghiêm trọng do bị suy thoái môi trường, thường do các hoạt động của con người gây ra, chẳng hạn như ô nhiễm, khai thác gỗ và các hoạt động đánh bắt hủy diệt. Cá chết hàng loạt định kỳ là hiện tượng thường được báo cáo ở một số hồ.
Ý tưởng giải cứu các hồ đang xuống cấp đã có từ những năm 1970 nhưng phải đến năm 2017, những bước đi đầu tiên mới được thực hiện. Đó là sự kiện các quan chức chính phủ và học giả tập trung tại Gorontalo, tỉnh Bắc Sulawesi để tuyên bố rằng một cơ quan quốc gia nên được thành lập nhằm hướng sự quan tâm và tài trợ cho hơn 800 hồ của quốc gia.
Một số nhà quan sát ca ngợi chính sách mới để giải cứu hồ, song họ cũng cảnh báo các nỗ lực phục hồi hồ nên xem xét các tác động đến cộng đồng địa phương. Những hồ này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế của hàng triệu người Indonesia, đóng vai trò là nguồn cung cấp nước ngọt, một hình thức kiểm soát lũ lụt, một địa điểm để nuôi cá và du lịch.
Monalisa Aurora, nhà nghiên cứu của Sáng kiến biến đổi khí hậu Aceh (ACCI) tại Đại học Syiah Kuala cho rằng “một giải pháp cho điều đó có thể là thiết lập các khu vực trong hồ để bảo vệ và nuôi cá”. Ngoài ra, một bước quan trọng khác là theo dõi tiến độ và kết quả từ việc thực hiện chính sách mới, đồng thời thực thi các biện pháp nghiêm khắc chống lại bất kỳ ai tiếp tục gây hại cho các hồ.
Bà kêu gọi chính phủ mở rộng nỗ lực cứu hộ các hồ đang xuống cấp khác ở Indonesia, tạo ra một chương trình đặc biệt để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ các nguồn nước.
Huyền Trang (Theo Mongabay)