Indonesia đã chấm dứt một thỏa thuận lâu dài với Na Uy trị giá 1 tỷ USD, được nêu trong Ý định thư (LOI) mà hai nước ký năm 2010 theo cơ chế giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD +).
Theo LOI, Na Uy đồng ý trả 1 tỷ USD nếu quốc gia nhiệt đới giàu rừng có thể làm chậm lượng khí thải từ nạn phá rừng.
Tuy nhiên, việc thanh toán thiếu tiến độ là một trong những lý do chấm dứt thỏa thuận, chính phủ Indonesia cho biết.
Indonesia là nơi có dải rừng mưa nhiệt đới lớn thứ ba thế giới, sau Brazil và Cộng hòa Dân chủ Congo. Khi những khu rừng nhiệt đới này bị phá hủy hoặc suy thoái, một lượng lớn khí CO2 sẽ được thải vào khí quyển.
Từng là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới do nạn phá rừng, cháy rừng và tàn phá đất than bùn nhưng tỷ lệ phá rừng của Indonesia đã giảm trong vài năm gần đây.
Năm 2019, chính phủ Na Uy đồng ý trả 530 triệu Krone Na Uy (56 triệu USD) cho Indonesia để ngăn chặn việc phát thải 11,23 triệu tấn carbon dioxide tương đương (CO2e) thông qua việc giảm tỷ lệ phá rừng vào năm 2017. Khi thông báo được đưa ra, các nhà bảo vệ môi trường đều vui mừng cho rằng khoản tài trợ không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của Indonesia trong việc bảo vệ rừng trong nhiều năm mà còn là động lực thúc đẩy các biện pháp chống nạn phá rừng tại quốc đảo. Bởi vậy, quyết định chấm dứt thỏa thuận đã khiến nhiều nhà môi trường bất ngờ.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết chính phủ đã đưa ra quyết định chấm dứt thỏa thuận sau một loạt các cuộc tham vấn kỹ lưỡng giữa các bộ trưởng, trong đó, việc thanh toán thiếu tiến độ cụ thể là một trong những lý do dẫn tới quyết định này.
Alue Dohong, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia trước đó từng tuyên bố quốc gia Đông Nam Á đã hoàn thành tất cả các yêu cầu về việc thanh toán. Tuy nhiên, “những gì tôi biết là [khoản thanh toán] không được thực hiện bởi Na Uy. Đó là một trong những lý do có thể khiến LOI bị chấm dứt theo quan điểm của tôi”, vị Thứ trưởng cho biết.
Trả lời về việc chấm dứt hợp đồng, Chính phủ Na Uy cho hay hai chính phủ đã tham gia vào các cuộc thảo luận về một thỏa thuận pháp lý cho việc chuyển khoản thanh toán dựa trên kết quả đạt được, với khoản đóng góp dự kiến sẽ được giải ngân cho Quỹ Môi trường Indonesia (IEF) mới thành lập.
“Cho đến khi có thông báo chấm dứt thỏa thuận vào hôm nay (10/9/2021), các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang diễn ra và theo quan điểm của Na Uy là mang tính xây dựng và tiến triển tốt, trong khuôn khổ do giới hạn quy định của hai nước đặt ra”, chính phủ Na Uy cho biết trong một thông cáo.
Phía Indonesia khẳng định mặc dù thỏa thuận đã chấm dứt, song quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến cam kết giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết biến đổi khí hậu của Indonesia.
“Indonesia đã ghi nhận nhiều tiến bộ và thành tựu đáng kể để thực hiện nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận Paris đã được phê chuẩn, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Ngoài ra, thành tựu của Indonesia cũng có thể được nhìn thấy là tỷ lệ phá rừng thấp nhất trong 20 năm qua, bao gồm cả việc giảm đáng kể nạn cháy rừng”, Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay.
Chính phủ Na Uy cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Indonesia trong việc chống nạn phá rừng. “Với những cam kết của chúng tôi trong Ý định thư và kết quả ấn tượng của Indonesia, chúng tôi mong muốn hỗ trợ những nỗ lực của Indonesia với những đóng góp hàng năm có ý nghĩa tương tự trong những năm tới”. “Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của chúng tôi và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ [theo những cách mà cả hai cùng đồng ý] những nỗ lực của Indonesia trong việc bảo vệ rừng và vùng đất than bùn”.
Ý Nhi (Theo Mongabay)