Giới khoa học đề xuất nên để phần lớn trữ lượng khoáng sản hiện nay nằm yên dưới lòng đất để nhân loại có cơ hội cứu hành tinh khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Sputnik, đây là nội dung chiến lược đối phó với thảm họa được các nhà khoa học từ Đại học University College London mô tả trong nghiên cứu của họ.
Hiện nay, khoảng 80% nguồn năng lượng trên thế giới được sản xuất từ nguyên liệu khoáng sản. Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi cần đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với việc khai thác để tránh hậu quả thảm khốc của tình trạng nóng lên toàn cầu, đảm bảo giữ cho nhiệt độ không khí trung bình chỉ tăng ở mức 1,5 độ C.
Các nhà khoa học ước tính rằng như vậy thì phải để nguyên không khai thác khoảng 60% trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên hiện tại, cũng như 90% trữ lượng than đá. Điều này đòi hỏi mức khai thác khoáng sản chỉ tăng tới đỉnh trong thập niên tới – có nghĩa là cần phải giảm 3% mỗi năm so với mức độ hiện nay.
Daniel Welsby, một trong những tác giả của báo cáo, lưu ý rằng nhiều dự án năng lượng hiện có và đã được lên kế hoạch không đóng góp gì cho việc thực hiện các mục tiêu khí hậu, những dự án ấy vẫn đề xuất tiếp tục công tác thăm dò ở mức độ cao như trước. Theo các nhà khoa học, chỉ có những quy định hạn chế được nhà chức trách đặt ra mới có thể tác động đến tình hình.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những phát hiện trong báo cáo của họ có thể không chính xác, bởi vì mô hình của họ không tính đến tốc độ phát triển và ứng dụng của các công nghệ khử carbon, cũng như những thay đổi tự nhiên trên bề mặt Trái đất.
Trong các nghiên cứu trước đó, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng việc hành tinh bị ô nhiễm khí nhà kính sẽ dẫn đến những thảm họa thiên nhiên có sức phá hoại lớn. Trong 50 năm qua, tần suất xuất hiện của chúng đã tăng gấp 5 lần, và nếu tình hình sinh thái trên thế giới không thay đổi, những thảm họa thiên nhiên đó sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và gây tác hại lớn hơn.