Ngày 7/9, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã phát động chương trình “Hành động Toàn cầu về Phát triển xanh các nông sản đặc biệt: Một quốc gia một sản phẩm ưu tiên”.
Hành động này nhằm mục đích phát triển chuỗi giá trị xanh và bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt, hỗ trợ nông dân và hộ gia đình nhỏ thu được lợi ích đầy đủ của thị trường toàn cầu và cuối cùng là giúp chuyển đổi các hệ thống nông sản thực phẩm hiện tại nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).
Sản phẩm Nông nghiệp Đặc sản (SAP) là những sản phẩm có tính chất độc đáo và đặc tính đặc biệt gắn với vị trí địa lý và di sản văn hóa, có thể góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh lương thực và chế độ ăn uống lành mạnh, hỗ trợ sinh kế của nông dân, tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
SAP bao gồm tất cả loại sản phẩm nông nghiệp, được công nhận (hoặc có tiềm năng được công nhận) là sản phẩm nông nghiệp biểu tượng của quốc gia hoặc địa phương, nhưng chưa được hưởng lợi đầy đủ từ các chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn ở phạm vi các loại cây chủ lực thường được trồng (ví dụ như gạo, lúa mỳ, ngô, đậu tương và khoai tây).
SAP cũng có tiềm năng rất lớn để được tích hợp vào các thị trường và thương mại địa phương, khu vực và toàn cầu.
Trọng tâm của Hành động Toàn cầu là thúc đẩy SAP thông qua đổi mới và phát triển xanh, cũng như tạo điều kiện phát triển cho các nông hộ nhỏ và các mô hình sản xuất hộ nông dân, có thể góp phần đáng kể vào việc đạt được Chương trình nghị sự 2030 – đặc biệt là SDG 1 (Không đói nghèo) và 2 (Không đói).
Theo Tổng giám đốc FAO, sự thành công của Hành động Toàn cầu sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tập thể, sự tham gia tích cực và sự đóng góp mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan trên tất cả các khu vực và lĩnh vực.