Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi chính quyền giao cho tổ chức cộng đồng địa phương chăm sóc, bảo vệ, nguồn lợi thủy sản và các rạn san hô tại vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã có dấu hiệu phục hồi khá tốt.
Nằm trên bán đảo Phương Mai, cách TP Quy Nhơn khoảng 10 km, xã Nhơn Hải hiện đang là một trong những điểm du lịch hút khách ở Bình Định. Ngoài phong cảnh thiên nhiên hữu tình, đặc sản biển tươi ngon, nét độc đáo và thú vị nhất nơi này mà hầu như ai cũng thích thú khi đến tham quan là lặn biển ngắm san hô.
Cộng đồng trách nhiệm
Với diện tích hơn 36.000 ha mặt biển, vịnh Quy Nhơn được đánh giá là nơi có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái, có tiềm năng đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang, vịnh Quy Nhơn có 720 loài thuộc 353 giống và 161 họ của 7 nhóm sinh vật chính, khoảng 152 ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo. Quanh các rạn san hô còn có 16 bãi giống thủy sản, trong đó có 3 bãi đẻ của mực lá, ốc gai và 13 bãi ươm giống của ghẹ, tôm hùm giống, hải sâm, cá giò, cá mú…
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu cùng việc phát triển du lịch và khai thác thủy sản ở địa phương khiến cho rạn san hô tại một số khu vực ven biển Quy Nhơn bị xâm hại. Nhằm bảo vệ tài nguyên biển, phát triển kinh tế thủy sản và du lịch sinh thái bền vững, Bình Định đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và UBND TP Quy Nhơn hỗ trợ địa phương ven biển Quy Nhơn xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là những mô hình đồng quản lý đầu tiên ở Bình Định được thành lập theo Luật Thủy sản mới trên cả nước.
Tại vịnh Quy Nhơn, các tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương được chính quyền giao khoảng 46 ha, gồm 8,02 ha ở khu vực biển Bãi Dứa tại xã Nhơn Lý; 12,043 ha ở khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ tại xã Nhơn Hải; 5,83 ha ở khu vực biển Hòn Nhàn tại phường Ghềnh Ráng và 20,24 ha ở khu vực biển Bãi Trước tại xã Nhơn Châu.
Đã có dấu hiệu phục hồi
Sau khi được giao, các tổ chức cộng đồng đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức dọn vệ sinh tại khu vực rạn san hô, định kỳ quan trắc đánh giá nguồn lợi thủy sản và san hô tại khu vực khoanh vùng. Tại phân khu du lịch giải trí thủy sản, việc đặt bè nổi cho khách du lịch lặn ngắm san hô phải theo hướng dẫn của đội bảo vệ san hô.
Anh Nguyễn Đình Xuân, thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý, cho biết sau khi được giao bảo vệ 8,02 ha ở khu vực biển Bãi Dứa, đội của anh thường xuyên đi kiểm tra hoạt động tại khu vực khoanh vùng bảo vệ, hướng dẫn du khách không giẫm đạp, bẻ san hô mang về hay bỏ rác thải nhựa xuống biển và ngăn chặn các thuyền đánh bắt dùng thuốc nổ để không ảnh hưởng tới rạn san hô.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, kết quả quan trắc mới đây cho thấy độ phủ san hô sống tại Bãi Dứa với san hô cứng đạt 62,5%, san hô mềm 13%; Hòn Khô Nhỏ đạt 44,3%, chủ yếu là san hô cứng; rạn ở Hòn Nhàn đạt 31,8%, chủ yếu là san hô cứng; rạn Bãi Trước đạt 23,1%. Tại phường Ghềnh Ráng và xã Nhơn Châu, độ phủ san hô chưa cao nhưng đã có dấu hiệu phục hồi.
Căn cứ tiêu chí đánh giá hệ sinh thái rạn san hô của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên thì hệ sinh thái rạn san hô của Bãi Dứa đạt mức tốt, Hòn Khô Nhỏ đạt mức tương đối tốt.
Bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, cho rằng từ số liệu quan trắc trên, người dân sẽ biết được san hô ở vùng mình quản lý có bao nhiêu san hô hư hại, bao nhiêu san hô mọc mới và gồm những loại gì. “Trong rạn san hô còn có các loại động vật đáy hoặc các loại cá. Nếu như thấy sinh vật biển phát triển lên nhiều loài, chứng tỏ rạn san hô ở đấy được bảo vệ tốt” – bà Bình phân tích.
Lặn biển ngắm san hô thành đặc sản du lịch
Theo ghi nhận của phóng viên, những rạn san hô cứng, mềm lung linh nhiều màu sắc được trải dài trên vùng biển Nhơn Hải, từ khu vực Gành Trên đến đảo Hòn Khô, rồi kéo dài đến khu vực Gành Dưới. Đặc biệt, mực nước tại các khu vực rạn san hô ở đây rất cạn, thích hợp cho du khách tắm biển, lặn ngắm san hô, nhất là tại khu vực đảo Hòn Khô. Ông Phan Ngọc Dũng, thành viên HTX Dịch vụ du lịch – thủy sản Nhơn Hải, cho biết vào mùa hè, bình quân mỗi ngày Hòn Khô có khoảng 500 du khách đến tham quan, lặn biển ngắm san hô. HTX này ra đời nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch biển của địa phương, tạo công ăn việc làm và lợi ích xã hội cho người dân. Đặc biệt gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, nhất là những rạn san hô ở vùng biển Nhơn Hải. Không riêng gì xã Nhơn Hải, các địa phương ven bờ còn lại tại vịnh Quy Nhơn cũng có nhiều khu vực với những rạn san hô đẹp tương tự. Để có được những rạn san hô đẹp, thu hút du khách tại vịnh Quy Nhơn, ngoài ưu đãi của thiên nhiên còn có sự nỗ lực của các cấp, ngành và người dân địa phương trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô ở khu vực này. |