Các nhà khoa học tới từ Đại học Oxford phát hiện tổ tiên chung của virus SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2, tác nhân gây dịch COVID-19 tồn tại cách đây 21.000 năm.
Như vậy, nó “già” hơn gấp 30 lần so với các đánh giá trước đây. Kết luận được đưa ra trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Current Biology.
Virus có khả năng phát triển nhanh chóng, nhưng việc phải thích nghi với các vật chủ thường làm suy giảm khả năng lây nhiễm của nó.
Điều này dẫn tới sự chậm lại rõ ràng trong tốc độ tiến hóa của virus theo thời gian.
“Chúng tôi đã phát triển một phương pháp mới có thể khôi phục tuổi của virus trong khoảng thời gian dài hơn và điều chỉnh cho một loại ‘thuyết tương đối tiến hóa’, trong đó tốc độ tiến hóa phụ thuộc vào khoảng thời gian đo lường”, Mahan Ghafari, nhà nghiên cứu tới từ Đại học Oxford cho biết.
Ông Ghafari nói thêm rằng các phân tích trên dữ liệu bộ gen người cho thấy loài người từng nhiễm một loại virus corona cổ đại cách đây 21.000 năm.
Nghiên cứu mới tính đến sụt giảm tốc độ của virus được ghi nhận qua quan sát, tạo điều kiện để các nhà khoa học lật lại theo dõi quá trình tiến hóa virus corona và lần về “tổ tiên” của virus corona.
Mặc dù các mô hình tiến hóa hiện có thường không cho phép xác định được sự khác biệt của các loài virus trong khoảng thời gian từ vài trăm đến vài nghìn năm, mô hình tiến hóa mới giúp các nhà khoa học đánh giá một cách đáng tin cậy thời gian xuất hiện của các loài virus mới trên thang thời gian tương đương với sự phát triển tiến hóa của các loài động vật và thực vật trên địa cầu.
Diệu Hoa (Nguồn: Sputnik)