Châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới

Đến sáng 7/9, thế giới có tổng số 221.944.496 ca nhiễm và 4.588.019 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, số ca nhiễm và tử vong mới do COVID-19 trên thế giới đã giảm bớt so với những ngày trước đó, song vẫn ở mức cao, lần lượt là 390.439 ca nhiễm và 6.412 ca tử vong mới.

Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn. (Ảnh minh họa: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 7/9, đã có 198.535.754 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.820.723 ca bệnh đang điều trị, có 18.715.477 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 105.246 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 41.192 ca nhiễm mới, Anh là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (36.344 ca) và Ấn Độ (30.136 ca). Trong khi đó, Nga lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 790 ca, sau đó là Indonesia (612 ca) và Iran (583 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 71.527.319 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 7/9, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 202.395 ca nhiễm mới và 3.436 ca đã tử vong do COVID-19. 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 33.057.272; 6.519.016 và 5.156.986 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong cao nhất là Ấn Độ (441.075 ca); Indonesia (136.473) và Iran (111.257 ca).

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 102.859 ca nhiễm và 1.350 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 56.078.238 ca nhiễm mới và 1.182.305 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Anh và Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 7.030.455; 7.018.927 và 6.839.494 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, Nga cũng là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 187.990 ca, sau khi ghi nhận thêm 790 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (133.274 ca) và Italy (129.567 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 49.066.979 ca, trong đó có 1.009.821 ca tử vong và 38.205.038 ca được điều trị khỏi. Với 40.862.104 ca nhiễm và 666.544 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 3.428.384 và 1.515.167 ca nhiễm, cùng 263.140 và 27.021 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 14.948 ca nhiễm và 9.154 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 37.098.528 ca và 1.135.882 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 9.154 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 3.893 ca và Colombia với 1.124 ca. Cùng với đó, với 182 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 162 ca tử vong mới và Colombia với 53 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 7/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.999.065 ca, trong đó có 200.149 ca tử vong và 7.154.880 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.824.063 ca nhiễm và 83.617 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 4.118 ca nhiễm mới và 198 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 886.008 và 675.191 ca nhiễm bệnh cùng 13.145 và 23.846 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 173.646 ca nhiễm (tăng 1.685 ca) và 2.304 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 50 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.533 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 63.142 ca, trong đó 1.044 ca tử vong (tăng 5 ca).

Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) mới đây thông báo đã cung cấp hơn 77 triệu euro hỗ trợ cho 24 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) để những nước này có thể đảm bảo “phát hiện sớm và tăng cường giám sát” virus SARS-CoV-2 và các biến thể của loại virus gây ra đại dịch COVID-19 này. Khoản hỗ trợ trị giá 77 triệu euro cho phép khởi động các dự án tăng cường cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần thiết để thực hiện các xét nghiệm RT-PCR. Đây là một khoản đầu tư mà Giám đốc ECDC Andrea Ammon tin rằng cũng sẽ giúp cải thiện việc giám sát các bệnh truyền nhiễm khác. Các dự án dự kiến bắt đầu vào từ tháng 10/2021 và kết thúc vào tháng 9/2022.

Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đang diễn ra tại Rome, Bộ trưởng các nước đã thảo luận việc phối hợp các chiến lược nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch COVID-19, trong đó kế hoạch tăng cường phân phối vaccine cho các nước nghèo hơn có nhu cầu được coi là yếu tố rất quan trọng để đạt mục tiêu này. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đạt được “Hiệp ước Rome” về phân phối vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho toàn bộ người dân trên thế giới. Theo ông, khó có thể chấm dứt đại dịch trước năm 2023 và điều này sẽ “phụ thuộc vào khả năng người dân tất cả các nước trên thế giới được tiêm chủng”.