Loạt ảnh thiên nhiên hoang dã ấn tượng này được các giám khảo cuộc thi đánh giá cao. Rất có thể, một trong số chúng sẽ giành giải đặc biệt của cuộc thi năm nay.
Những tác phẩm dưới đây được gửi về để tranh tài ở cuộc thi “Wildlife Photographer of the Year 2021” (tạm dịch: Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã năm 2021). Bức ảnh này được nhiếp ảnh gia Buddhismlini de Soyza chụp ở con sông chảy xiết tại Kenya. “Trận mưa kinh hoàng ở Masai Mara vào tháng 1/2020 khiến dòng sông thật hung dữ. 5 con báo đang tìm cách vượt qua dòng chảy đáng sợ này. Đó dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Con đầu đàn nhìn thẳng vào tôi khi đang băng qua như thể trách móc những con người bỏ mặc nhìn chúng sắp chết”, Soyza chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Thái Lan Wei Fu ghi lại khoảnh khắc ấn tượng về một con tắc kè đang cố gắng trong tuyệt vọng trước cuộc tấn công của con rắn cườm. Con rắn cuộn mình trên cây và từ từ thả xuống để tiếp cận con mồi. Nó cố tiêm nọc độc còn con tắc kè kẹp chặt vào hàm trên của con rắn. Sau một hồi vật lộn, con rắn cuộn chặt và siết con tắc kè đến chết. Nó gặp khá nhiều khó khăn để nuốt trọn con tắc kè.
Bức ảnh chụp cha con diều hâu đuôi trắng trong buổi “tập luyện”. Con chim con đang cố cướp miếng mồi từ móng vuốt của cha nó. Con chim non được tập để thành thạo khả năng lấy thức ăn trên không và rồi chủ động trong việc săn mồi. Để chụp bức ảnh này, Jack Zhi đã phải bỏ chân máy và chạy theo cha con diều hâu.
Ở hạng mục Chân dung động vật, bức ảnh của Lara Jackson được ban giám khảo đánh giá cao. Bức ảnh chụp con sư tử cái đang ăn thịt linh dương đầu bò. “Con sư tử không ăn nhiều, có vẻ nó đã khá no từ bữa tối hôm trước”, cô chia sẻ.
“Một bức ảnh đầy mê hoặc” là bình luận của tờ Daily Mail về tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Mỹ Johnny Amstrong. Nội dung bức ảnh diễn tả cảnh con cáo đang tìm kiếm những xác cá hồi sống.
Khi Laurent Ballesta đi lặn ngoài khơi bờ biển Địa Trung Hải của Pháp, anh tình cờ bắt gặp cảnh tượng kỳ lạ. Hàng nghìn con tôm kỳ lân biển đang lắc lư trong lớp san hô ở độ sâu khoảng 76 m so với mực nước biển. Loài này thường giao tiếp với nhau qua những chiếc râu dài.
Con dơi quạ khoảng 3 tuần tuổi được tìm thấy bên lề đường ở Melbourne (Australia). Những người phát hiện đã cho nó ăn bằng loại sữa với công thức đặc biệt.
Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Emelin Dupieux đặt tên “Apollo hạ cánh”. Từ Apollo lấy từ chính tên loài bướm này. Ảnh chụp tại công viên Tự nhiên Vùng Haut-Jura dọc biên giới Pháp và Thụy Sĩ. Đây là loài bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu khi môi trường sống trên núi của nó đang ngày càng ấm lên.
Nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Sergio Marijuan được đánh giá cao với bức ảnh này. Trong ảnh, con linh miêu Iberia đang dừng lại trước cửa một trang trại phía đông Sierra Morena. Sergio đã kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều tháng để chụp được bức ảnh này. Anh phải dùng bẫy ảnh để bắt được khoảnh khắc mong muốn.
Nhiếp ảnh gia người Na Uy Audun Rikardsen ghi lại khoảnh khắc ấn tượng ngoài khơi bờ biển Na Uy. Con thuyền đã đánh bắt quá nhiều cá. Sự cố xảy ra khi lưới vây bị hỏng, thả hàng tấn cá ra biển.
Cuộc thi nhận được số tác phẩm kỷ lục (50.000) từ 95 quốc gia. Người thắng cuộc chưa được công bố. Dự kiến, giải thưởng sẽ được trao vào 12/10 tới. Thành phần ban giám khảo đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh). Họ nổi tiếng với sự khắt khe khi chọn lọc tác phẩm. Roz Kidman Cox, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, chia sẻ: “Chất lượng tổng thể của các tác phẩm dự thi khiến chúng tôi ngạc nhiên”.