Nghiên cứu mới cho thấy cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp do khủng hoảng khí hậu.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Oceanography trong tuần này, sự nóng lên ở Vịnh Maine do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến số lượng cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương giảm mạnh và đẩy loài này vào tình trạng cực kỳ nguy cấp. Các nhà bảo tồn đang vô cùng tuyệt vọng trong việc tìm ra biện pháp bảo vệ.
Cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương từ lâu đã được biết đến là loài chuyên ăn các loài giáp xác ở Vịnh Maine. Nhưng trong thập kỷ qua, nước ở đó đã nóng lên nhanh hơn so với 99% đại dương toàn cầu và nguồn thức ăn chính của cá voi, vốn phát triển mạnh ở vùng nước lạnh, đã bị suy giảm.
Kết quả – dựa trên một phân tích kéo dài nhiều năm về sinh vật phù du, cá voi trơn và biến động nhiệt độ đại dương – là loài này hiện đang di chuyển về phía đông bắc đến Vịnh Saint Lawrence ở Canada để kiếm thức ăn và có sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá voi cái sinh sản.
Các chính sách bảo vệ cá voi được áp dụng ở Vịnh Maine không được áp dụng ở Vịnh St Lawrence. Do đó, những sinh vật này còn thường bị tàu đâm và vướng vào ngư cụ.
Trong thập kỷ qua, số lượng cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương đã giảm khoảng 26% và chỉ còn lại 356 cá thể trên Trái đất. Chỉ trong năm 2020, 17 xác cá voi trơn đã được phát hiện, 12 trong số đó được tìm thấy ở Vịnh Saint Lawrence.
Với số lượng cá thể giảm xuống mức khủng khiếp như vậy, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã phân loại loài này là cực kỳ nguy cấp vào tháng 7.2020.