Thế giới vượt mốc 220 triệu ca nhiễm COVID-19

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 4/9/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 220.566.112 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.565.839 ca tử vong và 197.060.781 ca bình phục.

Philippines là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất tại khu vực ASEAN trong ngày 3/9. (Ảnh: cnnphilippines.com)

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 633.891 ca mắc và 9.442 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 40.690.698 ca nhiễm COVID-19, trong đó 664.842 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là: Mỹ (169.617 ca); Ấn Độ (42.346 ca); Anh (42.076 ca); Iran (27.621 ca); Brazil (25.348 ca); Malaysia (19.378 ca); Nga (18.856 ca)…Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Mỹ (1.419 ca); Mexico (993 ca); Nga (799 ca); Brazil (666 ca); Indonesia (574 ca);  Iran (561 ca)…

Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 55.750.752 ca mắc COVID-19, trong đó 1.178.225 ca tử vong. Hết ngày 3/9, châu lục này ghi nhận đã có thêm 136.634 ca nhiễm mới và 1.582 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Anh là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới COVID-19 nhất tại châu lục, với 42.076 ca, trong đó 121 ca tử vong. Nga ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ 2 trong khu vực, với 18.856 ca. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Nga lại là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất vì COVID-19 tại châu lục, với 799 ca. Quốc gia này hiện nay cũng đang dẫn đầu châu Âu về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Nga ghi nhận có 6.975.174 ca nhiễm và 185.611 ca tử vong vì COVID-19.

Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 70.873.669 ca nhiễm và 1.047.013 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 239.059 ca mắc và 3.753 trường hợp tử vong mới.  Riêng tại châu Á có 66.119.485 ca được điều trị khỏi; 242.105 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 41.370 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 3/9, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 42.346 ca mắc mới và 340 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 32.944.691 ca và 440.256 ca. Các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Philippines… lần lượt xếp sau Ấn Độ về mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu Á.

Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 48.801.750 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.005.756 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama, … Hiện, Mexico là quốc gia đứng thứ 2 sau Mỹ về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục. Tuy nhiên, quốc gia này cũng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh trong ngày. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận 993 ca tử vong, trong đó 18.138 ca mắc mới COVID-19.

Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 37.030.040 ca, trong đó 1.133.865 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn đứng đầu khu vực và thứ 3 thế giới về ảnh hưởng của đại dịch. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 20.856.060 ca nhiễm, trong đó 582.670 ca tử vong vì COVID-19.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 7.941.017 ca nhiễm, trong đó 198.719 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nước này ghi nhận có 2.805.604 ca nhiễm COVID-19, trong đó 83.161 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập…

Tại ASEAN, tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng hơn 10,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó  228.763 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có thêm 78.049 ca mắc COVID-19 và 1.686 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong ngày 3/9, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Phillipines với 20.310 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.040.568 ca. Philippines cũng ghi nhận 193 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 33.873 người. Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 19.378 ca. Tính đến nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 1.805.382 ca mắc COVID-19. Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 3/9 với 14.922 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 501.649 ca.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Liên quan đến chương trình phân phối vaccine COVID-19, với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Anh đã bắt đầu phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho đại biểu quốc tế, những người chưa được tiêm trong nước. Dự kiến, đợt tiêm mũi thứ nhất sẽ bắt đầu vào tuần tới. Hội nghị COP26, vốn bị hoãn từ năm ngoái, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 12/11 tại Glasgow.

Cũng trong ngày 3/9, Ủy ban châu Âu (EC) và hãng dược AstraZeneca cho biết đã đạt thỏa thuận về việc phân phối lượng vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong hợp đồng, kết thúc vụ kiện tại Brussels về vấn đề này. Theo thỏa thuận này, AstraZeneca cam kết bàn giao cho Liên minh châu Âu (EU) 60 triệu liều vaccine trước cuối Quý III/2021, 75 triệu liều vào cuối Quý IV/2021 và 65 triệu liều trước cuối Quý I/2022. Cơ quan điều hành EU cho biết, theo thỏa thuận mới, các nước thành viên EU sẽ được cung cấp lịch trình bàn giao định kỳ, và có thể giảm giá mua trong trường hợp AstraZence chậm bàn giao.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer theo thỏa thuận hoán đổi với Anh, trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại. Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi lượng vaccine của Pfizer mà Australia nhận được trong tháng này, với lô đầu tiên do Anh gửi sẽ tới nơi vào cuối tuần này.

Ngoài với Anh, trong tuần này Australia còn ký thỏa thuận hoán đổi vaccine với Singapore. Theo cả hai thỏa thuận này, Australia sẽ gửi trả vaccine của Pfizer cho hai nước trên vào cuối năm, khi Canberra nhận được số vaccine đã đặt hàng. Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, thỏa thuận với Australia giúp chia sẻ vaccine vào thời điểm tối ưu, từ đó thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine của cả hai nước.