Thâm nhập thủ phủ “hàng rừng” tại miền Trung – Tây Nguyên – Bài 3

Bài 3: “Hàng rừng” bày bán công khai ngoài đường quốc lộ

Trong hành trình thâm nhập những địa điểm buôn bán các loài động vật hoang dã quý, hiếm ở Miền Trung – Tây Nguyên, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã liên tiếp chứng kiến vô số loài động vật bị giam cầm, làm thịt không thương tiếc, bày bán công khai.

Bài 1: “Hàng rừng”… có nhiều trong các nhà hàng

Bài 2: Truy vết nguồn gốc “hàng rừng”

Bán công khai thịt thú rừng ngoài đường quốc lộ

Trò chuyện với C., một người chuyên buôn bán “hàng rừng” tại xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. C. chia sẻ: “Hàng em đều lấy từ bên Campuchia về, họ mang đến cửa khẩu cho mình và mình tự đi đến đó lấy về. Nhiều hôm mang thịt về bán ít người mua nên em đưa ra hẳn đường quốc lộ để bán”.

C. cũng cho biết trước đây đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bị xử phạt một lần rồi nhưng hiện nay anh vẫn mang ra đường quốc lộ để bày bán.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển qua địa bàn tỉnh Đắk Nông dọc theo Quốc lộ 14, đoạn qua xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (giáp với Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) có đến 4-5 điểm bày bán công khai thịt thú rừng từ lợn rừng, nai rừng, cheo, chồn, dũi… mà không hề bị các cơ quan chức năng xử lý. Thông thường 1kg thịt nai được họ bán với giá 200.000 đồng/kg, heo rừng 250.000đ/kg; thịt cheo 280.000đ/kg…

Người bán hàng đang hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt thịt lợn rừng so với lợn rừng lai.

Tuy nhiên, đây là giá mà các con thú sau khi bị săn bắn chết họ giết thịt bán tại địa phương. Đối với những con thú vẫn còn sống thì được vận chuyển xuống các tỉnh như Bình Dương hoặc TP. Hồ Chí Minh, giá cao hơn nhiều.

Theo một người bán thịt thú rừng công khai bên Quốc lộ 14, đoạn qua xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), cho biết họ mua thú rừng của một thợ săn ở huyện Tuy Đức. Chỉ cần có người đặt hàng hẹn ngày là sẽ gom hàng gửi ngay. Ai cần loại nào cũng có như chồn, mèo, rắn hổ chúa, heo rừng, mang, nai…

Việc mua, bán thịt thú rừng như vậy không khác gì việc người ta đang tiếp tay cho những kẻ săn bắt trộm thú rừng, cũng như là đã gián tiếp tàn phá rừng, hủy hoại hệ sinh thái rừng và môi trường tự nhiên.

Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có những biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi buôn bán, giết mổ động vật hoang dã, không để tình trạng này tái diễn.

Công khai bán cao của “tề thiên đại thánh”

Di chuyển trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum chúng tôi thấy tấm biển “Bán Cao Khỉ, Cao xương 100%”. Hỏi thăm thì được một người phụ nữ tầm khoảng 50 tuổi cho biết nhà bà bán cao khỉ ở đây.

Biển treo bán cao khỉ được treo ngày trên đường quốc lộ ai đi ngang qua cũng có thể nhìn rất rõ.

Dẫn chúng tôi vào nhà bà liền đi ra sau nhà mang ra một bao tải to. Bà cho biết: “Bên trong đều là xương khỉ đó. Xương này tôi mua lại của người dân trong làng, họ săn được đem về ăn thịt rồi để lại xương mang bán cho tôi. Để nấu được một nồi cao khỉ tôi phải mua nhiều xương, gom lại có khi 1-2 năm mới đủ một nồi”.

Quan sát, chúng tôi phát hiện trong bao tải to này còn nhiều túi nilong nhỏ bên trong đều là xương khỉ đã khô, chúng tôi mở ra xem thấy có rất nhiều đầu lâu khỉ nếu còn sống những con khỉ này cũng chỉ khoảng 5-6 kg.

Người phụ nữ này mang ra cho chúng tôi xem 3-4 túi nilong màu đen bên trong có nhiều xương khỉ kho do bà tích lại để nấu cao.

Chúng tôi có hỏi bà bán công khai như này liệu cơ quan chức năng có đến kiểm tra và xử phạt gì không? Bà cho biết: Bà bán cao khỉ đã hơn chục năm nay rồi nhưng chưa thấy có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra.

Không để chúng tôi chờ lâu bà liền lấy chìa khóa mở tủ đem ra cho chúng tôi xem khoảng 10 miếng cao khỉ, mỗi miếng 1 lạng bà bán giá 500.000đ/lạng. Theo bà, người mua hàng của bà chủ yếu là người trong tỉnh chứ các tỉnh khác cũng ít vì bà không biết dùng mạng xã hội để đăng bán. Khách đi ngang qua thấy tấm biển bán cao khỉ là họ vào mua thôi.

Chúng tôi đặt câu hỏi liệu cơ quan chức năng liên quan tỉnh Kon Tum có đang buông lỏng quản lý? Bày bán công khai ngoài đường quốc lộ đã hơn chục năm nay mà không bị chính quyền “hỏi thăm”?

Vấn đề bảo vệ động vật hoang dã từng được thảo luận ở các cuộc họp của Quốc hội, Chính phủ… Bảo vệ động vật hoang dã không thể chỉ làm nghiêm từ một phía, mà phải có chế tài mạnh thậm chí là hình sự đối với cả những người tiêu thụ, ăn thịt động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã chỉ ra có sự liên quan mật thiết giữa các loại vi rút từ động vật hoang dã gây ra bệnh dịch đối với con người. Chính vì thế, áp dụng biện pháp chế tài mạnh đối với người tiêu thụ động vật hoang dã là điều cần phải tính đến. Xử lý hình sự những người ăn thịt thú rừng không chỉ làm giảm đáng kể sự tiêu diệt nhiều loại thú quý hiếm, mà còn là cách ngăn ngừa nhiều loại dịch bệnh có thể xảy đến.

Còn nữa…

Nguồn: