Hàng chục trẻ em ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ bị sốt cao, mất nước và buồn nôn dẫn đến tử vong do dịch sốt lạ trong một tuần gần đây. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định.
Vào thời điểm Ấn Độ đang dần phục hồi sau làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, hàng loạt ca tử vong mới đã gây ra sự sợ hãi về một “dịch sốt lạ” khác đang càn quét vùng nông thôn ở bang Uttar Pradesh, BBC đưa tin.
Ít nhất 50 người, chủ yếu là trẻ em, đã chết vì sốt cao, và hàng trăm người khác phải nhập viện ở 6 quận miền Đông của bang đông dân nhất Ấn Độ. Không có ca tử vong nào có kết quả dương tính với Covid- 19.
Các bác sĩ ở các quận bị ảnh hưởng nặng, bao gồm Agra, Mathura, Mainpuri, Etah, Kasganj và Firozabad, tin rằng bệnh sốt xuất huyết, một bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, có thể là nguyên nhân chính.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng giảm tiểu huyết cầu – một thành phần giúp máu đóng cục. Đây là dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nặng.
Tiến sĩ Neeta Kulshrestha, chuyên gia y tế cấp cao của quận Firozabad, nơi 40 người, trong đó có 32 trẻ em tử vong trong tuần qua, cho biết trẻ em là đối tượng tử vong rất nhanh.
Sốt xuất huyết chủ yếu là bệnh ở vùng nhiệt đới, do muỗi vằn cái gây ra, đã có ở Ấn Độ từ lâu. Bệnh có ở hơn 100 quốc gia, nhưng khoảng 70% là ở châu Á. Trẻ em có nguy cơ tử vong trong lần nhiễm thứ hai cao gấp 5 lần so với người lớn.
Gần 100 triệu trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng, chảy máu và suy nội tạng được báo cáo trên toàn thế giới mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Tác động tổng hợp của dịch Covid-19 và bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra những hậu quả tàn khốc ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao”.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu dịch sốt xuất huyết có phải là nguyên nhân chính cho các ca tử vong ở Uttar Pradesh hay không.
Năm 2014, các nhà khoa học đã kiểm tra 250 trẻ em tử vong vì viêm não, viêm cơ tim ở Gorakhpur, họ phát hiện ra có 160 trường hợp có kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh sốt phát ban.
Sốt phát ban là một bệnh do vi khuẩn lây lan qua vết cắn của bọ ve bị nhiễm virus.
Sốt phát ban và sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân chính gây dịch sốt sau mùa mưa ở 6 quận ở phía đông Uttar Pradesh từ năm 2015 đến năm 2019.
Những bệnh truyền nhiễm khác như leptospirosis truyền từ động vật sang người và chikungunya – một bệnh do muỗi gây ra – cũng là nguyên nhân gây sốt và tử vong.
Vào năm 2006, một đợt sốt bí ẩn khác bùng phát đã khiến trẻ em tử vong ở bang Uttar Pradesh. Các nhà khoa học phát hiện những đứa trẻ đã chết sau khi ăn đậu cassia, một loại đậu mọc nhiều ở phía Tây của bang.
Giới chuyên gia cho rằng cần có điều tra và phân tích bộ gene mới có thể tìm ra nguyên nhân của “dịch sốt lạ” hiện nay là do bệnh sốt xuất huyết đơn thuần hay do các bệnh khác gây ra.
Tới nay, chưa có tài liệu nào xác thực về việc xuất hiện, sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của dịch sốt mới nói trên.
Nếu nguyên nhân của những ca tử vong trên chỉ là bệnh sốt xuất huyết, thì có nghĩa là các chương trình kiểm soát chống muỗi của chính phủ chưa hiệu quả.