Theo nghiên cứu nhanh của một nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế, biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng mưa lớn cực đoan, tương tự như những trận lũ lụt tháng trước ở Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, có khả năng xảy ra cao hơn từ 1,2 đến 9 lần.
Tháng trước, mưa lớn đã ảnh hưởng đến các khu vực của Tây Âu từ ngày 12 đến ngày 15. Chỉ trong một ngày, lượng mưa đổ xuống khu vực sông Ahr và Erft ở Đức là khoảng hơn 90mm, lớn hơn nhiều so với các kỷ lục trước đó, kéo theo các trận lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 220 người ở Bỉ và Đức.
Để xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với lượng mưa lớn gây ra lũ lụt, các nhà khoa học đã phân tích các báo cáo thời tiết và mô phỏng trên máy tính để so sánh tình trạng khí hậu ở Tây Âu ngày nay với khí hậu trong quá khứ.
Nghiên cứu tập trung vào lượng mưa, do đây là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở hai khu vực sông Ahr và Erft bị ảnh hưởng nặng nề của Đức. Trong đợt lụt vừa rồi, lượng mưa trung bình ở đây là 93mm trong một ngày. Và khu vực Meuse của Bỉ có lượng mưa 106mm trong hai ngày. Kết quả cho thấy lượng mưa ở những khu vực nhỏ này có xu hướng tăng theo thời gian; đồng thời cũng có nhiều biến động cục bộ từ năm này qua năm khác.
Các nhà khoa học cũng xem xét dữ liệu từ một khu vực rộng lớn hơn (bao gồm miền đông nước Pháp, miền tây nước Đức, miền đông nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và miền bắc Thụy Sĩ) và nhận thấy, biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra những trận mưa lớn như vừa rồi lên từ 1,2 đến 9 lần tại một nơi bất kỳ nào ở khu vực này. “Các mô hình khí hậu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng từ từ của các hiện tượng mưa lớn cực đoan trong tương lai khi trái đất nóng hơn,” Giáo sư Hayley Fowler, khoa Tác động của Biến đổi Khí hậu, Đại học Newcastle, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
“Thiệt hại khổng lồ về kinh tế và con người do những trận lũ lụt này là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, và chúng ta cần khẩn trương giảm phát thải khí nhà kính để kiểm soát và tránh rủi ro,” theo Giáo sư Maarten van Aalst, khoa Ứng phó với Khí hậu và Thảm họa tại Đại học Twente, Giám đốc, Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ thuộc Hội Chữ thập đỏ, đồng tác giả nghiên cứu.
Nghiên cứu được thực hiện bởi 39 nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu của tổ chức World Weather Attribution, bao gồm các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng thủy văn ở Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Mỹ và Anh.
Nguồn: Media Climate Net, World Weather Attribution