Thâm nhập thủ phủ “hàng rừng” tại miền Trung – Tây Nguyên – Bài 2

Bài 2: Truy vết nguồn gốc “hàng rừng”

Động vật hoang dã là một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận cao cho người kinh doanh, chỉ đứng sau việc buôn bán vũ khí, ma túy và buôn bán người nên dù các ngành chức năng có cấm, xử phạt thì họ vẫn nghĩ ra trăm phương ngàn kế tìm nguồn hàng cung cấp, đáp ứng nhu cầu chơi sang, ăn lạ của các “thượng đế”.

Bài 1: “Hàng rừng”… có nhiều trong các nhà hàng

Nguồn hàng từ đâu?

Theo một nguồn tin cho phóng viên biết, gần khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai có một “bà trùm” chuyên buôn bán “hàng rừng” từ Campuchia về.

Người này cho biết: “hiện nay đang dịch bệnh Covid-19 nên các giao dịch cũng ít đi, nhưng khi có người mua thì chỉ cần một cuộc điện thoại là có người mang đồ từ bên Campuchia qua cho ngay. Họ mang đến cửa khẩu cho mình rồi mình ra đó nhận hàng về chứ người không được đi qua cửa khẩu do bị cấm.”

Nửa con Mang còn nguyên lông được Thọ mang từ trong tủ lạnh ra cho khách xem.

Sau khoảng 30 phút tìm hiểu chúng tôi đã tìm được “sào huyệt” của “bà trùm” chuyên buôn bán đồ rừng như nguồn tin chia sẻ. Nhìn vào không ai biết ngôi nhà này chuyên buôn bán đồ rừng, bên ngoài họ đề biển một công ty xuất nhập khẩu lâm nghiệp.

Qua tiếp chuyện ban đầu một người đàn ông tên Thọ còn nghi ngờ nói là không có đồ gì, sau một hồi nói chuyện mới cho biết bên trong nhà có nhiều đồ rừng đang để trong tủ đông, nếu anh mua thì chúng tôi mang ra, còn muốn mua đồ còn sống thì phải đặt và chờ hơi lâu mới có.

Thọ khẳng địch chắc nịch với phóng viên: Nguồn hàng của bọn em đảm bảo với anh 100% là hàng rừng từ Campuchia chất lượng!

Nói xong Thọ đi vào bên trong nhà và mang ra cho chúng tôi xem hai cái đùi Lợn rừng vẫn còn nguyên lông đen… tiếp theo Thọ cũng mang ra một nửa con Mang vẫn còn nguyên lông.

Tiếp tục câu chuyện chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn để đưa về phân phối cho các nhà hàng tại một số tỉnh miền Bắc, Trung, Nam. Nhưng yêu cầu phải chuẩn hàng rừng Thọ liền đáp “bất cứ khi nào anh cần là bọn em có hàng cho anh ngay vì nguồn cung cấp hàng của bọn em rất nhiều không chỉ một nguồn. Nguồn hàng của bọn em đảm bảo với anh 100% là hàng rừng từ Campuchia chất lượng”.

Có anh em trong “ngành” nên chuyển “hàng” này lại rất dễ

Sau nhiều ngày “đàm phán” chúng tôi cũng liên hệ được với một chủ nhà hàng tại 23 Hai Bà Trưng, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Chủ Nhà hàng này cho biết, ở Ngọc Hồi chỉ riêng anh mới cung cấp nhiều “con hàng” chất lượng, chế biến món ăn từ các loài động vật quý, hiếm như tê tê, hươu, nai, chồn, cheo, rùa… nên nhà hàng của anh có tiếng ở đây do đó được nhiều “bác” ở huyện đến để ăn uống.

Chủ nhà hàng tại số 23 Hai Bà Trưng cho biết mình quen biết rộng nên việc vận chuyển thú rừng rất dễ dàng.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một số con hươu, nai, chồn hoặc tê tê để mang về làm quà cho bạn bè thì chủ nhà hàng này tự tin nói với chúng tôi việc này các anh cứ yên tâm về chất lượng “hàng” của em thì đảm bảo, về vận chuyển em có anh em làm trong “ngành” nên việc vận chuyển loại “hàng” này lại rất dễ. Ví dụ anh thuê nhà xe vận chuyển nếu họ biết là động vật hoang dã thì sẽ không vận chuyển cho anh đâu vì Kiểm lâm làm rất nghiêm.

Chủ nhà hàng này cũng chia sẻ thêm anh đã đầu tư 25 triệu đồng để mua một nồi áp suất của Nhật về để nấu cao hươu, hổ, rắn,… Mới đây anh cũng đã nấu cao một con rắn hổ mang chúa nặng tới 11kg.

Về nguồn gốc những loài động vật quý hiếm này anh cho biết, bây giờ Việt Nam còn rất ít hoặc là không có, chủ yếu là thợ săn săn được bên Lào, Campuchia rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ theo qua đường biên.

Đặc biệt, theo chủ nhà hàng này tiết lộ nếu sang bên kia biên giới mỗi người đi không “họ” sẽ thu mỗi người 200 nghìn đồng. Sau khi bắn được con nào thì sẽ phải nộp cho “họ” rồi mới được về. Ví dụ nếu bắn được năm con tê tê thì phải nộp cho “họ” một con cứ như vậy thôi đơn giản lắm.

Còn nữa…

Nguồn: