Hàng trăm hecta rừng thay thế trồng ở 3 công trình thủy điện Bình Điền, A Lưới, Hương Điền (tại tỉnh Thừa Thiên Huế) chết hàng loạt. Các chủ đầu tư thủy điện đưa ra nguyên nhân là do thời tiết, người dân lấn chiếm đất và gia súc phá hoại.
Rừng chết hàng loạt, không đảm bảo tiêu chí
Để triển khai thực hiện các dự án thủy điện Bình Điền, A Lưới, Hương Điền, đã có 910 hecta rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị chặt bỏ và ngập trong lòng hồ.
Sau nhiều năm đi vào hoạt động, chủ đầu tư các công trình này đã tiến hành trồng rừng thay thế theo quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, hàng trăm hecta rừng thay thế đã bị chết hoặc không đảm bảo các tiêu chí của rừng trồng.
Nguyên nhân được các chủ đầu tư thủy điện đưa ra là do thời tiết, người dân lấn chiếm đất và gia súc phá hoại.
Tại dự án thủy điện Bình Điền (Công ty CP Thủy điện Bình Điền), diện tích thiết kế được phê duyệt là hơn 134 hecta cây tràm Úc, diện tích đã trồng hơn 137 hecta.
Qua kiểm tra của đoàn liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì cho thấy, diện tích có cây trồng chỉ 17,3 hecta, mật độ hiện còn chỉ 400 – 3.000 cây/hecta, tỷ lệ sống từ 12 – 90%. Trong đó, diện tích không đảm bảo tiêu chí rừng trồng là 4,35 hecta.
Diện tích có khả năng đạt tiêu chí rừng trồng nếu được tiếp tục trồng dặm, chăm sóc, quản lý bảo vệ là 11,37 hecta. Diện tích đạt tiêu chí rừng trồng chỉ 1,58 hecta.
Khảo sát vùng rồng rừng thay thế tại dự án thủy điện Bình Điền cho thấy, từ cao trình 73m (cao trình được phê duyệt để trồng rừng thay thế), nhiều diện tích cây tràm Úc bị chết khá nhiều.
Tại dự án nhà máy thủy điện Hương Điền (Công ty CP Thủy điện Hương Điền), diện tích được thiết kế phê duyệt là hơn 57 hecta, diện tích đã trồng 60 hecta, diện tích có cây trồng chỉ 4,51 hecta. Mật độ hiện còn từ 340 – 1.800 cây/hecta, tỷ lệ sống từ 10 – 54%. Trong đó không có diện tích nào đạt tiêu chí rừng trồng.
Tại dự án thủy diện A Lưới (Công ty CP Thủy điện Miền Trung), diện tích được thiết kế được phê duyệt là hơn 75 hecta, diện tích đã trồng hơn 76 hecta, nhưng đến nay chỉ còn 17,34 hecta có cây trồng sinh trưởng phát triển ổn định, còn lại gần 58 hecta không có cây trồng.
Sẽ truy thu tiền
Ông Chu Văn Thành – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Bình Điền cho biết, tổng diện tích công ty phải thực hiện trồng rừng thay thế là gần 321 hecta.
Trong đó, diện tích hơn 134 hecta đơn vị đã tổ chức thực hiện theo hồ sơ thiết kế và dự toán được phê duyệt; còn lại diện tích hơn 186 hecta đã nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế với số tiền hơn 13,8 tỉ đồng.
Ngay sau khi được phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán đầu tư trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công ty đã tiến hành ký kết các hợp đồng mua cây giống, phân bón, thuê nhân công bắt đầu tiến hành công tác trồng bù rừng thay thế và trồng hoàn thành diện tích hơn 134 hecta.
Tháng 6.2018 các đoàn chức năng lên kiểm tra, khảo sát và đã đánh giá đơn vị hoàn thành trồng bù rừng thay thế và tỷ lệ sống, sinh trưởng tốt trên 80%.
Nhưng vào tháng 4.2021 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác trồng bù rừng tại các thủy điện, xác nhận phần diện tích có cây còn sống đạt 17,3 hecta (chưa nghiệm thu) và đơn vị cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý về việc đã hoàn thành công tác trồng bù rừng trong năm 2018.
Theo ông Thành, nguyên nhân dẫn đến diện tích trồng còn ít so với phần diện tích rừng đã được trồng ban đầu là do trâu bò phá hoại và mùa mưa lũ lịch sử, lũ chồng lũ năm 2020, mực nước ngập sâu, kéo dài, lưu lượng nước về rất lớn cùng với việc công ty tiến hành xả lũ theo lệnh điều tiết của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu nạn cứu hộ; tạo sự thay đổi lớn về dòng chảy, sóng mạnh vào ven bờ gây thiệt hại về cây trồng, tạo chia cắt giữa các khu vực trồng từ trước đã liền vùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, trên cơ sở kiểm tra, đánh giá, những diện tích trồng rừng thay thế tại 3 dự án thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới, đơn vị này đã đề xuất UBND tỉnh, đối với diện tích 21 hecta (gồm 8 ha đạt tiêu chỉ rừng trồng và 13 hecta có khả năng đạt tiêu chỉ rừng trồng) được tiếp tục tra dặm, chăm sóc, bảo vệ đến hết thời thời gian kiến thiết cơ bản. Sau thời gian đó, các chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị nghiệm thu hoàn thành trồng rừng theo quy định.
Đối với 4,34 hecta không đảm bảo tiêu chí rừng trồng và gần 242 hecta không có cây, đề nghị UBND tỉnh xem xét, truy thu tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích này để tổ chức trồng rừng theo Thông báo số 185/TB- UBND ngày 29.6.2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đơn giá nộp tiền trồng rừng thay thế là 79,5 triệu đồng/hecta theo Quyết định số 977/QĐ-UBND ngày 15.4.2020 của UBND tỉnh.