Dữ liệu vệ tinh của Đại học Maryland, Hoa Kỳ cho thấy có sự gia tăng đáng kể trong việc phát quang rừng ở các khu vực phía bắc vùng Tanintharyi thuộc miền nam Myanmar, bao gồm cả khu vực đang được bảo vệ.
Trong khi phần lớn diện tích đất trũng ven biển của Tanintharyi đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thì cảnh quan rừng nguyên vẹn vẫn còn ở vùng núi, nơi các loài bị đe dọa toàn cầu vẫn cố bám trụ để tồn tại, chẳng hạn như loài hổ nguy cấp (Panthera tigris), voi châu Á (Elephants maximus), heo vòi Mã Lai (Tapirus indicus), hồng hoàng mũ cát cực kỳ nguy cấp (Buceros vigil), tê tê Sunda (Manis javanica) và những cá thể chim đuôi cụt Gurney (Hydrornis gurneyi). Tuy nhiên, những khu rừng từng là vùng hẻo lánh này đang dần bị xói mòn dưới áp lực mạnh mẽ từ các đồn điền cao su và cọ dầu, hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ và phát triển cơ sở hạ tầng.
Dữ liệu vệ tinh mới từ Đại học Maryland được hiển thị trên Global Forest Watch (GFW) cho thấy làn sóng mất rừng ở phía bắc huyện Dawei ngày càng gia tăng.
Theo nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí The European Journal of Development Research, hầu hết các khu rừng tự nhiên nguyên vẹn còn lại ở huyện Dawei đều nằm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tanintharyi. Tuy nhiên, dữ liệu của GFW chỉ ra rằng năm 2020 có mức độ mất rừng nguyên sinh cao thứ hai trong khu bảo tồn kể từ khi hoạt động giám sát rừng được bắt đầu vào năm 2002. Trong 18 năm này, có tới 60 km2 rừng đã bị san lấp, chiếm 4,5% độ che phủ rừng nguyên sinh của khu bảo tồn. Mặc dù dữ liệu sơ bộ trong năm 2021 đến nay cho thấy tình trạng mất rừng trong khu vực này nhìn chung đã giảm, tuy nhiên nạn phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng dọc theo các khu vực hiện tại cũng như các khu vực trước đây chưa bị xáo trộn.
Hầu hết các vụ phá rừng gần đây đều diễn ra bên trong ranh giới phía nam khu bảo tồn, trùng hợp với sự lan rộng của các khu rừng bị đốt cháy trong quý đầu tiên của năm 2021. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các cuộc xâm nhập mới vào rừng nguyên sinh dọc theo một con đường kết nối Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tanintharyi với thị trấn Kameik. Quan sát sâu hơn bên trong khu bảo tồn, hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình đào đắp đang sinh sôi nảy nở dọc theo con đường dẫn ống và sông, nơi các vết cắt lấn chiếm các khu vực rừng nguyên sinh trước đây còn nguyên vẹn.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tanintharyi trải dài 1.700 km2 ở huyện Dawei. Khu vực này được thành lập bởi chính phủ Myanmar nhưng được tài trợ bởi các công ty dầu khí Total, PTT và Petronas như một phần của chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm bù đắp các tác động của đường ống dẫn khí Yadana gây tranh cãi chia cắt Tanintharyi từ bờ biển Andaman đến biên giới Thái Lan.
Một phần lớn của khu bảo tồn nằm chồng lên đất thuộc sự quản lý của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), cơ quan chính trị chính của nhóm dân tộc Karen và bao gồm nhiều làng bản địa Karen và Mon. Mặc dù khu bảo tồn được thành lập vào năm 2005 nhưng không thể thực hiện đúng chức năng cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn giữa KNU và chính phủ được ký vào năm 2012.
Khu bảo tồn bị các nhóm địa phương chỉ trích vì không tôn trọng quyền của người bản địa đối với đất đai, tài nguyên và sinh kế của họ. Theo một báo cáo của các tổ chức Karen dựa vào cộng đồng ở vùng Tanintharyi, các biện pháp bảo vệ của khu bảo tồn cũng cản trở quyền của những người bị di dời sau chiến tranh được trở về vùng đất tổ tiên của họ.
Các chuyên gia cho rằng khu bảo tồn thiên nhiên được chính phủ thúc đẩy để đảm bảo quyền kiểm soát lãnh thổ đối với khu vực đường ống rộng lớn từ các nhóm dân tộc hơn là để bảo tồn đa dạng sinh học.
Việc thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tanintharyi là một phần của sự thay đổi toàn khu vực từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang một cảnh quan chủ yếu là các khu bảo tồn và các đồn điền cao su và cọ dầu thương mại.
Việc Myanmar chuyển đổi sang chính phủ bán dân sự vào năm 2011 và thỏa thuận ngừng bắn năm 2012 đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, được hỗ trợ thêm bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế được nới lỏng và một loạt các cải cách đất đai thân thiện với doanh nghiệp. Ở Tanintharyi, các khu vực chiến sự trước đây trong các khu rừng biên giới với đất đai yếu kém đột nhiên được mở ra để kinh doanh, và tình trạng chặt phá rừng diễn ra sau đó, chủ yếu là để thiết lập các đồn điền thương mại.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Địa lý Ứng dụng vào đầu năm 2021 đã báo cáo rằng nạn phá rừng trên khắp Tanintharyi từ năm 2002 đến năm 2016 là do việc mở rộng các đồn điền trồng cọ dầu, cao su và cau thương mại cùng với canh tác nông hộ. Nghiên cứu cho thấy việc mở rộng nông nghiệp sản xuất nhỏ có thể là do các đồn điền trồng cọ dầu thương mại mới ở Tanintharyi lấn chiếm đất nông nghiệp của dân làng. Do mất khả năng tiếp cận đất đai, nhiều nông dân phải di dời và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá rừng trồng cây.
Việc phá rừng theo kiểu đột xuất như vậy thường là không cần thiết vì nhượng quyền trồng rừng hiếm khi được trồng đầy đủ ở Tanintharyi. Các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động nói rằng các công ty đang phá rừng dưới vỏ bọc nông nghiệp để khai thác hợp pháp gỗ có giá trị thương mại để buôn bán. Một báo cáo về xu hướng rừng năm 2015 cho thấy chưa đến 1/5 tổng diện tích được phân định là nhượng quyền trồng cọ dầu ở Tanintharyi đã thực sự được trồng.
Bên cạnh các hoạt động trồng cao su, cọ dầu, việc phát triển cơ sở hạ tầng cho Đặc khu Kinh tế Dawei (SEZ) – một kế hoạch của chính phủ trung ương nhằm kết nối một cảng nước sâu mới trên bờ Biển Andaman với biên giới Thái Lan để thúc đẩy thương mại và đầu tư – cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm đất đai và gây áp lực lên những khu rừng còn nguyên vẹn trong khu vực.
Là một phần của SEZ, đường cao tốc dài 138 km đang được xây dựng giữa Dawei và Tây Nam Thái Lan. Các nhà bảo tồn lo ngại con đường sẽ cắt ngang hành lang động vật hoang dã vốn liên kết các khu bảo tồn được bảo vệ tốt ở Thái Lan với các khu rừng nguyên vẹn ở Tanintharyi. Các công ty xây dựng cũng đang nâng cấp các con đường khai thác gỗ cũ trong khu vực để tạo điều kiện giao thương tốt hơn với nước láng giềng Thái Lan.
Tiến độ xây dựng đường bộ đang thúc đẩy sự phá hủy môi trường sống, theo Saw Soe Aung, người làm việc cho Tổ chức FFI. Được biết, FFI đang hợp tác với các cộng đồng địa phương để khảo sát các khu rừng ở miền nam Tanintharyi dành cho hổ. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng gia tăng dọc các tuyến đường mới xây trong năm 2021 ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ hổ của rừng. “Chúng tôi chỉ ghi nhận được một cá thể hổ trong khu vực khảo sát trong năm nay. Trước khi xây dựng đường, chúng tôi đã ghi nhận 4 hoặc 5 cá thể”, ông cho biết.
Không riêng hổ, môi trường sống quan trọng của các loài quý hiếm khác cũng đang bị mất, trong đó có loài đuôi cụt Gurney. Toàn bộ quần thể toàn cầu của đuôi cụt Gurney, một loài chim nhỏ bé nhưng đầy màu sắc sống phụ thuộc vào rừng trưởng thành chỉ được tìm thấy trong các khu rừng đất thấp của Kawthaung, quận cực nam của Tanintharyi, nơi hơn 1/10 rừng nguyên sinh đã bị san bằng bởi phần lớn diện tích cọ dầu.
Một nghiên cứu gần đây do Đại học Công nghệ Thonburi, Thái Lan phát hiện ra rằng 8% môi trường sống thích hợp cho loài đuôi cụt Gurney đã bị mất từ năm 2017 đến năm 2020. Trong số các môi trường sống còn lại, hơn 10% bị phân mảnh thành các mảng quá nhỏ để đảm bảo tồn tại lâu dài. Nghiên cứu được công bố trên Oryx ước tính tất cả môi trường sống còn lại của loài chim này sẽ biến mất vào năm 2080 trừ khi hành động bảo tồn được thực hiện.
Đồng tác giả nghiên cứu Nay Myo Shwe cho biết: “Vì không có sự bảo vệ của pháp luật ngoại trừ các khu bảo tồn rừng của chính phủ nên có rất nhiều vấn đề lấn chiếm đất và chiếm đất ở phía nam của Tanintharyi”.
Rừng đặc biệt dễ bị tổn thương dọc theo những con đường mới được nâng cấp, điều này tạo ra “hiệu ứng xương cá” ở các vùng biên giới mới có thể tiếp cận và cũng có thể “làm trầm trọng thêm các mối đe dọa hiện có” bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán lâm sản bất hợp pháp xuyên biên giới, bao gồm cả chính những cá thể đuôi cụt Gurney cho thị trường vật nuôi, nghiên cứu cho biết.
Ý Nhi (Theo Mongabay)