Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1443/QĐ-TTg, ngày 29/08/2021 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025).
Theo đó, Thủ tướng chỉ định Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.
Thành viên Hội đồng gồm: Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học; các ủy viên phản biện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019. Bộ TN&MT là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.
Hoạt động của Hội đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, trong đó, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết theo đa số để thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch.
Nhiệm vụ lập quy hoạch đủ điều kiện trình phê duyệt khi có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa.
Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định pháp luật về quy hoạch liên quan đến việc thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP, ngày 12/5/2020 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021 – 2025) được thực hiện trên phạm vi toàn bộ diện tích đất tự nhiên cả nước.
Nghị quyết nêu rõ, việc lập quy hoạch bám sát các quan điểm: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; tăng giá trị kinh tế, tài chính đất đai đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất vừa đáp ứng mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài cho phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai của từng vùng, địa phương, là cơ sở để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất di tích danh thắng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý diện tích rừng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển; xây dựng công trình ngầm trong lòng đất tại khu vực có đủ điều kiện; đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo. Cho phép chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại những khu vực bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt để chuyển sang các mục đích khác và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm TP nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các hạ tàng then chốt, có sức lan tỏa lớn; đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; đặc biệt đối với vùng miền núi, biên giới, hải đảo nhằm thu hút các nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ của các nước trên thế giới và trong khu vực; kế thừa những thành tựu đã có để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguyên tắc lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia;
Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.