Con rùa Răng nặng 12 kg được một người phụ nữ mua lại tại địa phương thuộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sau đó bàn giao cho Kiểm lâm để thả về tự nhiên bảo tồn…
Đây là loài quý hiếm được xếp vào nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, nhóm nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam.
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận con rùa Răng quý hiếm từ Hạt kiểm lâm Lộc Hà.
Đây là lần đầu tiên đơn vị tiếp nhận rùa Răng quý hiếm này. Hiện đơn vị đang cử cán bộ chuyên môn theo dõi sức khỏe con vật, sắp tới sẽ thả về tự nhiên để bảo tồn.
Con rùa được một người dân ở huyện Lộc Hà mua lại để thả phóng sinh, tuy nhiên khi phát hiện đây là động vật quý hiếm, người phụ nữ đã liên hệ với cơ quan chức năng giao nộp. Con rùa nặng 12 kg, dài hơn 45 cm, bề ngang khoảng 30 cm.
Được biết, rùa Răng có tên khác là Càng đước, tên khoa học Heosemys annandalii, thuộc loài rùa lớn trong họ Emydidae, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Loài rùa này được tìm thấy lần đầu tiên bởi nhà sinh vật học Nelson Annandale. Vì vậy, loài rùa này được lấy tên gọi là Annandalii.
Các nhà động vật học xác định rằng, rùa Răng là loài rùa có kích thước lớn nhất tại Việt Nam. Cơ thể của chúng có màu nâu sẫm hay đen, đầu xám, xen kẽ là những đốm đen vàng nổi bật lên khuôn mặt.
Phần mai rùa phồng hẳn lên, không có răng cưa ở bờ viền. Mai thường có màu nâu thẫm hay đen xám và có thể dài tới 470mm. Rùa Răng sở hữu 4 chân dẹp, có màng da bao bọc (đặc trưng của các loài rùa đầm).
Yếm hai mặt với hình dạng khác nhau: Bờ trước lồi, bờ sau khuyết, bờ bên phần sau lại thẳng, giúp chúng trông như được mặc một bộ giáp to lớn và mạnh mẽ.
Khu vực sinh sống của rùa Răng thường là ao, hồ, đầm lầy, ruộng lúa,… khu vực có nguồn nước chảy chậm, đây có thể coi là đặc điểm đặc trưng của các loài trong họ rùa đầm.
Tuy nhiên, việc săn bắt và buôn bán quá mức đã làm rùa Răng ngày càng giảm sút về số lượng và có nguy tuyệt chủng nên được xếp vào nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, nhóm Nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam.