Thâm nhập thủ phủ “hàng rừng” tại miền Trung – Tây Nguyên – Bài 1

Bài 1: “Hàng rừng”… có nhiều trong các nhà hàng

Miền Trung – Tây Nguyên từng được nhắc tới là nơi có nhiều rừng và động vật nằm trong “sách đỏ” của Vệt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tình trạng phá rừng, săn bắn các loài động vật rừng, nên số lượng đã giảm đáng kể. Nhiều loài động vật rừng đã và đang rơi vào tình trạng nguy cấp, thậm chí là nằm trong sách đỏ như hổ, tê tê, khỉ, cheo cheo, rắn hổ mang chúa,.…

Để thấy rõ được tình trạng này, nhất là việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã, Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã mất rất nhiều thời gian, công sức và nghiệp vụ để có thể thâm nhập vào được các tụ điểm “hàng rừng”, và tận mắt chứng kiến cảnh mua bán, tàn sát hoang thú khiến ai chứng kiến cũng khỏi xót xa, thương tiếc tại một số tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên như tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk…

Vào vai “ông trùm” “hàng rừng”

Chúng tôi tạo một vỏ bọc vô cùng hoàn hảo, nói rằng mình là “đại gia” trong ngành kinh doanh “hàng rừng”, có chuỗi nhà hàng và những trang mạng xã hội chuyên “hàng rừng” để phục vụ các đại gia khắp cả nước.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin chúng tôi bắt gặp N. một người dân bản địa tại xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Qua trò chuyện N. cho biết tại đây cũng có một số người buôn bán đồ rừng lấy từ Campuchia về. Thông qua N. chúng tôi đã nhờ liên hệ với một dân buôn tại xã Ea H’Leo để đặt một số đồ rừng, không nghi ngờ gì N. đã gọi điện cho một dân buôn có tiếng tại vùng.

Chúng tôi chờ chưa đầy 20 phút đã có một người tên C. mang đến một đùi để chúng tôi xem hàng.

Trong cuộc điện thoại chúng tôi có nghe được đầu giây bên kia nói bây giờ chỉ còn nai, lợn rừng, gà rừng,… những đồ rừng này còn nguyên lông. Cũng trong cuộc trao đổi qua điện thoại với N. người buôn cho biết hiện tại bên Cam (Campuchia) đang có một đùi nai và một con hoẵng mới săn được vẫn còn sống, nếu chúng tôi lấy sẽ mang qua cho, chỉ chờ khoảng một tiếng rưỡi là có người vận chuyển đến.

Chúng tôi chờ chưa đầy 20 phút đã có một người tên C. mang đến một đùi để chúng tôi xem hàng. C. cho biết: “đây là hàng lấy từ bên Cam về, đùi nai này em bán 250 nghìn/kg, con hoẵng kia đã có người mua rồi”.

“Hôm trước em cũng vừa mua được một con hổ về nấu cao, hổ bây giờ cũng hiếm lắm rất khó mua được.” C. khoe với chúng tôi.

Tê tê, chồn hương,… có nhiều trong các Nhà hàng giữa thành phố Huế

Cũng trong vai một doanh nghiệp từ ngoài Hà Nội, chúng tôi vào Nhà hàng Hương Mai tại số 32 Lê Minh, TP. Huế, nói muốn ăn món đặc sản như đồ rừng tươi sống, ban đầu chủ Nhà hàng vẫn còn nghi ngờ sau một hồi nói chuyện chủ Nhà hàng mang ra một con chồn hương.

Theo như chủ Nhà hàng này nói thì con chồn này nặng khoảng 1,7kg nếu đồng ý ăn thì sẽ làm với giá 2,1tr đồng/1kg, chồn này mới bắt được hôm qua và ông còn một con khác khoảng 1,6kg cũng đang nhốt tại lồng.

Nhà hàng Hương Mai tại số 32 Lê Minh, TP. Huế.

Sau gần một phút cho chúng tôi xem “hàng” thì chủ Nhà hàng đem ra ngoài và nói “nếu đồng ý ăn thì gọi anh nha”.

Còn tại Nhà hàng Hải Sơn, tại một khu Đô thị phía Nam thành phố Huế, khi nhân viên đưa menu cho chúng tôi xem chỉ có những món ăn dân dã, không có một món nào là đặc sản thú rừng.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi nói trước đây cũng đã từng ăn chồn ở đây một lần rồi thì chủ nhà hàng mới cho biết là còn có tê tê, chồn, gà rừng,… và hẹn chúng tôi sau 20 phút nữa sẽ lấy hàng về cho xem nếu đồng ý sẽ làm thịt.

Chủ Nhà hàng cũng không quên nhắc chúng tôi không nói cho ai biết, nếu kiểm lâm mà biết thì sẽ bắt đó, dạo gần đây họ bắt nhiều lắm.

Ngược miền Trung lên Tây Nguyên đến thủ phủ Pleiku rồi di chuyển tiếp đến vùng cửa khẩu Lệ Thanh của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Theo một nguồn tin cho chúng tôi biết tại Nhà hàng Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, kinh doanh làm các món nhậu từ “đồ rừng”. Chúng tôi đã có mặt tại nhà hàng này muốn mục sở thị “đồ rừng” mà nhà hàng này kinh doanh.

Tiếp chuyện chúng tôi bà chủ tên Vân cho biết, ở đây bọn em bán đa phần là hàng tươi sống như rùa, rắn hổ trâu, gà rừng… còn chồn, cheo, nai và lợn rừng thì có để đông lạnh nhưng vẫn còn lông. Không để chúng tôi chờ lâu, vừa nói bà chủ vừa dẫn chúng tôi xuống khu bếp nơi “cất giấu” những đồ rừng vẫn còn sống.

Thật xót xa khi nhìn những con rùa này được nhốt trong một cái bể nếu có thực khách muốn ăn thì chúng sẽ được chế biến ngày và đưa lên bàn nhậu.

Con rắn hổ trâu đang được một thực khách mua để “chiêu đãi” khách hàng của mình.

Bà chủ dẫn chúng tôi đến xem một bể nước, bên trong toàn là rùa có mai vàng còn sống đang bò quanh bể, bên cạnh là một số lồng đang nhốt gà rừng bên trong. Tiếp đó, bà chủ mang ra một con rắn hổ trâu người dân cũng vừa bẫy được, nặng 2,2kg và được bà rao bán với giá 750 nghìn/kg.

Theo quan sát nơi để “đồ rừng” tại nhà hàng này không quá kín đáo, qua trò chuyện bà chủ nhà hàng cũng vô tư chia sẻ, không một chút giấu diếm hoặc lo sợ bị phát hiện.

“Anh muốn ăn loại nào cũng có để phục vụ…”

Trước khi đến Gia Lai, tại tỉnh Kon Tum chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận nhiều điểm bán động vật quý hiếm điển hình như Nhà hàng Ánh Dương, Tri Kỷ…

Sau khi chúng tôi hỏi có đồ rừng nào ngon lạ không thì một nhân viên nhà hàng đã dẫn chúng tôi đến khu bếp, giấu sâu bên trong dưới bàn là nhiều bao tải màu xanh bên trong có một số loài động vật hoang dã như chồn, dúi, rắn. Còn để trong tủ lạnh thì có nhiều như hươu, lợn rừng, chồn, nai… “Anh muốn ăn loại nào cũng có để phụ vụ” một nhân viên tại nhà hàng này vui vẻ nói.

Chúng tôi di chuyển qua Nhà hàng Tri Kỷ có địa chỉ tại đường Hồ Tùng Mậu, TP. Kon Tum. Tại đây được một nhân viên cho biết, hiện tại nhà hàng em có một số con như tê tê, chồn, heo, nhím,… sau đó, chúng tôi đã lấy số điện thoại để liên lạc với chủ nhà hàng và hẹn khi nào có hàng sẽ báo lại.

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ chờ đợi chúng tôi đã nhận được tin nhắn báo của chủ Nhà hàng Tri Kỷ cho biết là mới nhập được 2 con Cheo Cheo. Tuy nhiên lúc này bà chủ nhà hàng rất cảnh giác không cho chúng tôi trực tiếp xem hàng chỉ bảo 1 nhân viên vào khu nuôi nhốt chụp hình rồi đem ra cho chúng tôi xem.

Một con nhím vừa bắt trên rừng đã được giao ngay cho nhà hàng để bán cho khách.

Theo bà chủ nhà hàng này chia sẻ con Cheo Cheo này mới mua được của một người dân đi bẫy trên rừng, mỗi con nặng hơn 1 kg, con này lâu lâu mới bắt được nên cũng hiếm.

Sau khoảng 10 phút trò chuyện thì có một người lái xe máy đến giao cho Nhà hàng Tri Kỷ một con nhím cỡ 1,5kg. Sau khi kiểm tra con Nhím thì bà chủ tiến hành giao dịch ngay trước mắt chúng tôi.

Qua trao đổi với người giao “hàng” cho Nhà hàng Tri Kỷ, được biết họ đã làm ăn với nhau lâu rồi, khi nào có hàng mang bán, không riêng gì Tri Kỷ, người giao hàng còn nhập hàng cho một số nhà hàng có buôn bán thịt thú rừng trên địa bàn TP. Kon Tum. Người này cũng cho biết, hiện tại cũng có một số con chồn và nhím tuy nhiên, người chủ không muốn cho người lạ xem “hàng” nên nhóm phóng viên vẫn chưa thể tiếp cận được.

Vậy những “chiến lợi phẩm” săn bắt trái phép trên có nguồn gốc từ đâu? Được tuồn vào các nhà hàng này bằng cách nào? Liệu lực lượng Kiểm lâm, Cơ quan chức trách địa phương có hay biết?

Còn nữa…

Nguồn: