Từ đầu năm 2021 đến nay, vượt qua bao khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) luôn nỗ lực cứu hộ, chăm sóc và tái thả hàng trăm động vật hoang dã về với tự nhiên. Để làm tốt công việc này đòi hỏi sự cẩn trọng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, bác sĩ thú y tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Trung tâm), nhằm góp phần bảo tồn các loài động vật quý, hiếm và giữ gìn đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Tận tâm cứu hộ, chăm sóc
Với nhiệm vụ cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã; lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loại sinh vật quý, hiếm, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng, thời gian qua, Trung tâm đã trở thành “ngôi nhà” chung của nhiều động vật trước khi được thả trở về tự nhiên.
Giới thiệu về khu vực chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã, anh Nguyễn Duy Hải, cán bộ Trung tâm không cần sổ sách vẫn có thể đọc rành rẽ từng loài động vật được cứu hộ, chăm sóc từ đầu năm đến nay. Cụ thể, Trung tâm tiếp nhận 65 vụ, với 583 cá thể động vật hoang dã và 47kg rắn các loại. Trong đó, có nhiều loài động vật thuộc nhóm IB, IIB trong sách đỏ Việt Nam được cứu hộ thành công như: Hổ, gấu, mèo rừng, chim hồng hoàng, hạc cổ trắng, tê tê Java… tăng 76% so với cùng kỳ 2020. “Công việc nhiều nhưng mỗi khi nhìn thấy các loài động vật khỏe mạnh, chúng tôi lại thêm động lực để vượt qua khó khăn, ngày càng cứu hộ, chăm sóc tốt cho nhiều động vật hoang dã”, anh Nguyễn Duy Hải nói.
Còn bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ, kỷ niệm mà chị nhớ mãi là một lần cả Trung tâm thức trắng đêm tìm cách cứu sống một con hổ khoảng 5 tháng tuổi được chuyển từ tỉnh Đồng Nai ra. Do đi đường dài, lại không được chăm sóc tốt nên con hổ bị kiệt sức và mắc thêm bệnh kiết lỵ. Khi đó, cả Trung tâm mất ăn mất ngủ, tìm mọi cách cứu chữa nhưng tất cả đều vô vọng. Đến khi nó lịm đi cũng là lúc lãnh đạo Trung tâm quyết định phương án truyền đạm cho nó. “Như có phép màu, chỉ nửa tiếng sau khi được truyền đạm, con hổ bắt đầu hồi tỉnh khiến mọi người vỡ òa trong sung sướng… Hiện, con hổ rất khỏe mạnh, mắn đẻ và đang được nuôi bảo tồn tại Trung tâm”, chị Trịnh Thị Thu Hằng phấn khởi khoe.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, 90% cá thể động vật hoang dã chuyển đến Trung tâm là tang vật của các vụ án hình sự. Điều này có những khó khăn nhất định trong công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho động vật hoang dã bởi chúng thường bị suy nhược cơ thể, nhiễm bệnh, bị thương trong quá trình săn bắt, nuôi nhốt và vận chuyển. Bình quân mỗi con vật mất khoảng 3-5 tuần để phục hồi. Trước khi phân loại để thả về các vườn quốc gia, các con vật được kiểm tra sức khỏe, một số loài sẽ được gắn chíp điện tử hoặc đánh dấu để theo dõi quá trình hòa nhập và phát triển trong tự nhiên.
Thả hàng trăm động vật hoang dã về tự nhiên
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm đã thả 3 đợt, với 285 cá thể động vật hoang dã và 11,7kg rắn về Vườn quốc gia Ba Vì (thành phố Hà Nội) vào cuối tháng 2, Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) vào ngày 20-3, Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) vào ngày 17-4. Ngoài ra, Trung tâm còn chuyển giao hai đợt, với 78 cá thể động vật hoang dã sau cứu hộ cho Vườn quốc gia Cúc Phương…
Chia sẻ về công tác thả động vật hoang dã về tự nhiên, anh Nguyễn Duy Hải, cán bộ Trung tâm chia sẻ: Đó là giây phút nhiều cảm xúc nhất của những người làm công tác cứu hộ. Bởi, trong thời gian chăm sóc phục hồi cho động vật, giữa người và con vật đã có sự gắn bó nhất định, nhưng vì nhiệm vụ được giao, Ban Giám đốc Trung tâm luôn khuyến cáo cán bộ, nhân viên không quá thân thiện với động vật để khi thả về tự nhiên, chúng sớm phục hồi tập tính hoang dã. “Song, đôi lúc không tránh khỏi có sự gắn bó với động vật. Nhất là khi thả động vật hoang dã về tự nhiên, thấy chúng khỏe mạnh nhảy tót vào rừng, tôi cũng lưu luyến và cảm thấy công việc mình và đồng nghiệp đã làm thật xứng đáng”, anh Nguyễn Duy Hải cho biết.
Việc bảo đảm an toàn cho động vật hoang dã sau khi thả về tự nhiên cũng rất quan trọng. Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, đơn vị phối hợp với ban quản lý các vườn quốc gia đặt máy theo dõi sự hòa nhập của động vật hoang dã. Với những chú khỉ, nhân viên cứu hộ mang theo chuối, dưa đỏ và rải xung quanh khu vực thả, đó là nguồn thức ăn để chúng có thể duy trì trong những ngày đầu tiên trở lại ngôi nhà thiên nhiên với những bỡ ngỡ nhất định. Ngoài ra, báo cho lực lượng kiểm lâm địa phương tăng cường tuần tra, khoanh vùng bảo vệ khu vực thả, không để người dân vào săn bắt.
Đánh giá về vấn đề này, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên khẳng định, những nỗ lực trong việc chăm sóc, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã về tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thời gian qua đã và đang góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều loài động vật hoang dã, làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên ở Việt Nam.