Tại bán đảo Ise-Shima, văn hóa biển địa phương đang được duy trì và phát triển bởi Ama, những người phụ nữ làm nghề lặn biển tự do.
Bán đảo Ise-Shima nằm ở khu vực phía đông tỉnh Mie, trung tâm hòn đảo Honshu (Nhật Bản). Vùng đất này có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, bao gồm vườn quốc gia Ise-Shima, hai hòn đá Meotoiwa bên bờ biển Futamigaura gắn liền với huyền thoại Izanagi và Izanami, đảo ngọc trai Mikimoto hay thần cung Ise (Jingu) – ngôi đền linh thiêng nhất của Shinto.
Nhưng Ise-Shima còn nổi tiếng với những ama đeo bùa hộ mệnh bí ẩn, lặn xuống biển sâu tìm kiếm nhím và bào ngư để kiếm sống mỗi ngày.
Người phụ nữ của đại dương
Theo những tài liệu cổ, nghề lặn biển dành riêng cho phụ nữ ở Ise-Shima bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 8. Những người phụ nữ tại vùng đất này được tạo hóa ban tặng cho lớp mô mỡ dưới da dày hơn bình thường, giúp họ chống chọi với nhiệt độ thấp của nước biển.
Ngày nay, hầu hết ama không sử dụng thiết bị nào khác ngoài bộ đồ lặn, kể cả bình dưỡng khí. Vào tháng 3 và tháng 4, họ lặn xuống biển trong hai giờ mỗi ngày. Khoảng thời gian lặn biển của những người phụ nữ tại Ise-Shima tăng thêm 30 phút trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9.
Mang theo thùng gỗ nặng 5 kg, ama lặn xuống độ sâu 10 m để tìm kiếm và thu hoạch bào ngư, nhím biển và các loài nhuyễn thể khác nhờ kinh nghiệm, trực giác trong khi phải len lỏi qua rong biển. Họ phải thực hiện chuỗi động tác thành thục và nhịp nhàng vì chỉ có thể nín thở trong khoảng 50 giây. Công việc này đòi hỏi rất nhiều về năng lực thể chất và sức mạnh ý chí. “Nếu nghĩ về việc thư giãn và không kiềm chế được bản thân, tôi không thể trở thành một ama”, Mitsuhashi Mayumi, người trở thành ama từ năm 30 tuổi, chia sẻ.
Những nữ thợ lặn tại Ise-Shima thường đeo khăn tenugui và mang chiếc mũ len trắng có thêu biểu tượng ngôi sao gọi là Seiman. Biểu tượng Seiman mang ý nghĩa người phụ nữ đã thực hiện chuyến lặn biển an toàn. Ngoài ra, trên chiếc mũ còn có hình ảnh chín đường thẳng chồng lên nhau của Doman, đại diện cho chiếc lưới đánh cá. Doman là bùa hộ mệnh để những người phụ nữ xua đuổi ma quỷ và mối đe dọa dưới biển sâu, như cá mập.
Tại bán đảo Ise-Shima, những người phụ nữ của đại dương mạnh mẽ và được kính trọng hơn nam giới, điều hiếm thấy trên đất nước Nhật Bản. “Những bậc tiền bối đã dạy tôi về ý thức trách nhiệm và sự chu đáo với người khác. Khi nghĩ về những điều này, tôi rất vui vì đã trở thành một ama”, Mitsuhashi Mayumi tiết lộ.
Biểu tượng thất truyền
Hiện nay, truyền thống ama đang thiếu người kế thừa. Chỉ còn khoảng 2.000 ama đang hành nghề, thấp hơn bốn lần so với thời hoàng kim sau Thế chiến thứ hai. Và con số này không ngừng giảm xuống theo thời gian.
Hayashi và Nakanishi là những người phụ nữ lặn biển cuối cùng trong thế hệ của họ. Hayashi cho biết những người phụ trẻ không muốn lặn biển, trong khi thế hệ của bà đang già đi, khiến độ tuổi trung bình của ama lên đến 65. Thậm chí, nữ thợ lặn lớn tuổi nhất của Ise-Shima sắp bước qua tuổi 90.
Trên thực tế, sự nguy hiểm của công việc dưới đáy biển, nguồn thu nhập không được đảm bảo và sức hút việc làm từ những thành thị lớn như Tokyo, Osaka hay Nagoya khiến người trẻ không muốn trở thành ama. Trong một ngày làm việc không thuận lợi, những ama chỉ có thu nhập 2.000 yen (khoảng 414.000 đồng), con số quá thấp cho những rủi ro đến tính mạng. Điều này khiến công việc truyền thống tại bán đảo Ise-Shima có nguy cơ thất truyền.
Ngoài ra, sự suy giảm loại rong biển có tên arame, nguồn thức ăn chính của bào ngư và các quy định của chính phủ nhằm bảo vệ đa dạng sinh học môi trường biển khiến sản lượng thu hoạch bào ngư có giá 10.000 yen/kg của ama giảm đi đáng kể. Những nữ thợ lặn tại Ise-Shima cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động đánh bắt hải sản của tàu thuyền.
Những người phụ nữ của đại dương cũng phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản. Gần đây, Akiko Ono (ama 41 tuổi) đã mở cửa đón khách du lịch tại ama-goya, ngôi nhà mộc mạc là nơi giao lưu giữa các thợ lặn địa phương trong quá khứ. Tại đây, cô chuẩn bị và phục vụ đồ ăn cho khách du lịch, bao gồm nướng hàu bằng tay, Ise ebi (loại tôm địa phương đắt tiền), ponzu (nước ép từ cam, quýt)… Bên cạnh đó, Megumi Kodera, ama 38 tuổi, chuyển sang bán các sản phẩm rong biển trên cửa hàng trực tuyến.
Tuy vậy, Hayashi cho biết sáng kiến này nhằm tạo kế sinh nhai, nhưng không thể thay đổi sứ mệnh gìn giữ văn hóa biển Nhật Bản của ama.
“Tôi yêu công việc này. Miễn là còn khỏe mạnh, tôi sẽ tiếp tục lặn. Đó là những gì tôi phải làm khi tôi được sinh ra”, Hayashi khẳng định với ánh mắt lạc quan.