Dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương đang ở rất gần giai đoạn sụp đổ do biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change, dòng hải lưu Đại Tây Dương đã bị suy yếu do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu nhân loại không có động thái phù hợp, hải lưu có thể mất kiểm soát và gây hậu quả lớn cho con người.
Theo Niklas Boers, nhà nghiên cứu tại Viện Potsdam ở Đức, dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có tác động lớn đến nhiệt độ đại dương. Nó là tập hợp các dòng chảy xuyên suốt từ Đại Tây Dương và được ví như mạch máu của biển cả.
Nếu AMOC bị rối loạn, phía bắc châu Âu sẽ trở nên lạnh hơn, nhiệt độ ở một số khu vực có thể giảm đến 8 độ C. Cộng với tình trạng ấm lên toàn cầu, một số thành phố ở bờ đông nước Mỹ sẽ bị ngập lụt hoàn toàn.
Ngược lại, nhiệt độ bán cầu Nam sẽ tăng lên, đặc biệt là xung quanh Nam Cực. Nhiều bộ phận châu Âu sẽ trải qua các đợt lũ lụt và bão tuyết dữ dội. Boers cho rằng điều này sẽ khiến khu vực Tây Phi chịu hạn hán vĩnh viễn.
Về lý thuyết, AMOC có thể sụp đổ do một lượng băng tan có kích cỡ bằng Greenland và tốc độ tan băng tại khu vực này thật sự đáng báo động. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy hồi kết của AMOC sẽ phải mất ít nhất 250-300 năm nữa ở điều kiện hiện tại.
Dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương đóng vai trò như một hệ thống băng chuyền vĩnh cữu. Khi nước biển ấm lên tại các vùng nhiệt đới, chúng nổi lên. Sau đó phần nước này chảy thẳng đến cực Bắc, nguội đi, chìm xuống và lại quay lại khu vực nhiệt đới để bắt đầu vòng tuần hoàn mới.
“Yếu tố quan trọng nhất là phải giữ cho vòng lặp này được ổn định”, Boers chia sẻ. Theo ông, việc một lượng lớn nước ngọt từ băng tan chảy thẳng vào đại dương có thể sẽ làm ảnh hưởng đến sự ổn định này.
Sự sụp đổ được gọi là “điểm cực hạn”, một giới hạn của hệ sinh thái có thể khiến loài người mất hàng thế kỷ để phục hồi. Thảm họa khí hậu là một trái bom nổ chậm, nhưng nhân loại vẫn có thể ngăn nó kịp thời.