Các nhà nghiên cứu Campuchia sẽ sớm ra mắt giống lúa mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, cho năng suất cao hơn đáng kể so với các giống truyền thống.
Hiện tên của giống lúa này chưa được tiết lộ nhưng giống mới rất có triển vọng về năng suất và chất lượng thơm ngon khi nấu chín thành cơm, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nhu cầu thị trường lúa gạo quốc tế.
Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia (CARDI), ông Lor Bunna cho hay, giống lúa mới là giống lúa thơm được các nhà nghiên cứu trong nước phát triển trong hơn 10 năm.
“Hiện chúng tôi vẫn chưa đặt tên chính thức cho nó, nhưng nhóm nghiên cứu của chúng tôi đang tiếp tục làm việc với nông dân để sản xuất thử nghiệm và hy vọng sẽ công bố giống mới vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”, ông Lor Bunna nói.
Theo các chuyên gia lúa gạo, đây là giống lúa mà cả ngành nông nghiệp và nông dân Campuchia đều hy vọng sẽ tìm được thị trường xuất khẩu tốt vì sản lượng cao. Đặc biệt, nó có thể được sản xuất tốt ở những các điều kiện nước tưới khác nhau.
Kể từ những năm 1990, CARDI đã lai tạo, phát triển và công bố 44 giống lúa khác nhau cho nông dân sản xuất, trong đó có cả việc phục tráng một số giống lúa đã bị lãng quên.
Trong giai đoạn này, một số trong bộ giống lúa của Campuchia không còn phù hợp do các vấn đề về tự nhiên, thổ nhưỡng và biến đổi khí hậu.
Mục tiêu nghiên cứu ban đầu của CARDI chỉ hướng tới các giống lúa có năng suất cao, ngắn ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên khi đã đạt được an ninh lương thực, các nhà nghiên cứu bắt đầu chuyển hướng sang phát triển các giống lúa thơm mới để thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Bunna lưu ý rằng, kể từ những năm 2000, CARDI đã bắt tay nghiên cứu các giống lúa có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu cũng như chống lũ lụt và chịu được nhiệt độ cao hơn bình thường.
Cách nay hai tuần, Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Veng Sakhon cũng đã công bố một giống lúa mới có tên Phka Mealadei. Đây là một dòng lúa lai trung hạn theo mùa mà CARDI đã lai tạo thành công và đã thử nghiệm trên các hệ sinh thái nông nghiệp khác nhau trong suốt 14 năm vừa qua.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu gạo của Campuchia sang các thị trường quốc tế gần đây đã giảm đáng kể, nhưng Bộ Nông nghiệp vẫn tiếp tục thúc đẩy và khuyến khích nông dân địa phương tiếp tục coi trọng mặt hàng này.
Trong hai quý đầu tiên của năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu 280.450 tấn gạo thành phẩm, giảm 29,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên xuất khẩu lúa tươi của nước này đã đạt con số kỷ lục là 1.692.813 tấn trong cùng thời điểm, tăng khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ trưởng Veng Sakhon, sản lượng lúa mùa mưa ở Campuchia đã vượt quá năng suất mục tiêu của năm 2021. Tính đến tuần trước, nông dân trong nước đã thu hoạch được hơn 2,6 triệu tấn, đạt gần 102% so với kế hoạch cả năm. Trong đó vụ thu hoạch lúa đầu mùa mưa đã tăng gần 1,3 triệu tấn, cao hơn 789.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, và cho năng suất bình quân trên mỗi ha là 4,2 tấn.
Campuchia là quốc gia hạ nguồn tiểu vùng sông Mekong, được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu do thời gian hạn hán kéo dài hơn kết hợp với mưa nhiều và lũ lụt thường xuyên. Nhiều năm vừa qua, ngành lúa gạo địa phương đã hợp tác với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ Australia thông qua Chương trình Chuỗi giá trị Nông nghiệp Campuchia-Australia để nghiên cứu sâu về cây lúa. |