Tổng cộng 8.450 mối đe dọa tiềm tàng đã bị phát hiện trong năm 2020 tại 9 khu vực có nguy cơ xảy ra thảm họa về mặt địa chất cao tại Trung Quốc.
Ngày 20/8, Bộ Tài nguyên Trung Quốc thông tin với sự trợ giúp của vệ tinh viễn thám, Bắc Kinh đã hoàn tất việc phát hiện “thảm họa địa chất tiềm ẩn” ở những khu vực có nguy cơ cao ví dụ như khu vực có dự án hồ chứa đập Tam Hiệp và các khu vực phía đông nam ở Khu tự trị Tây Tạng.
Theo báo cáo trên, tổng cộng 8.450 mối đe dọa tiềm tàng đã bị phát hiện trong năm 2020 tại 9 khu vực có nguy cơ xảy ra thảm họa về mặt địa chất cao tại Trung Quốc. Các mối nguy hiểm chủ yếu là lở đá trên đỉnh núi và độ dốc lớn không ổn định.
Năm khu vực ẩn chứa nguy cơ về thảm họa địa chất đã được khảo sát bao gồm khu vực thượng nguồn sông Hoàng Hà, khu vực ở tỉnh Tứ Xuyên, khu vực đông nam của Tây Tạng, khu vực tây bắc của tỉnh Vân Nam và khu vực hồ chứa Tam Hiệp.
Lũ lụt định kỳ của sông Dương Tử là một trong những lý do khiến Trung Quốc xây dựng đập Tam Hiệp, vốn đang giữ ngôi vị đập thủy điện lớn nhất thế giới. Trên ý tưởng lưu trữ và sau đó xả nước một cách cẩn thận, đập Tam Hiệp được kỳ vọng có thể ngăn chặn những thảm họa như trận lũ lụt năm 1998, khiến hàng triệu người Trung Quốc mất nhà cửa.
Dù khi xây và vận hành đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã tiến hành các thử nghiệm về thảm họa địa chất nhưng họ vẫn tích cực theo dõi các mối nguy hiểm tiềm ẩn tại khu vực có hồ chứa công trình thủy điện.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phòng chống và kiểm soát thảm họa địa chất ở khu vực hồ chứa Tam Hiệp đã giúp họ đạt được mục tiêu vận hành dự án “không có thương vong” trong 17 năm liên tiếp và đảm bảo an toàn địa chất trong khu vực.
Từ năm 2003 đến năm 2020, hồ chứa đập Tam Hiệp đã được lấp đầy 61 lần để ngăn lũ, trong đó ba lần là nhằm đối phó các trận lũ với lưu lượng nước lớn hơn 70.000m3/giây. Vào giữa tháng 7/2021, thượng nguồn và các nhánh của sông Dương Tử đã trải qua đợt mưa lớn dai dẳng, gây ra 2 trận lũ lụt liên tiếp với lưu lượng nước lũ lên tới hơn 40.000m3/giây. Trước 2 trận lũ này, đập Tam Hiệp đã giải phóng trước 1,284 tỉ m3 dung tích hồ chứa, kiểm soát lưu lượng xả lũ ở khoảng 31.300 m3/giây.
Khu vực hồ chứa Tam Hiệp có hệ thống địa chất phức tạp, thường xuyên xảy ra bão và lũ. Hơn nữa, kể từ khi tích nước, hàng năm, hồ chứa đã có sự thay đổi mực nước 30 mét.
Ngoài ra, ở một mức độ nào đó, các điều kiện địa chất của bờ kè dốc hồ chứa Tam Hiệp đã bị thay đổi, và sự xuất hiện của các tai họa địa chất trong khu vực hồ chứa đã trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, theo một tuyên bố của Tập đoàn Tam Hiệp vào tháng 7.2020, “hoạt động của các tòa nhà và nền móng của đập Tam Hiệp đều bình thường, an toàn và đáng tin cậy”.
Vệ tinh viễn thám hiện được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc với ưu điểm là mang tới hình ảnh có độ phân giải cao nhằm xác định các nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai như động đất và các yếu tố địa chất khác.
Trung Quốc có 19 vệ tinh viễn thám tài nguyên thiên nhiên trên quỹ đạo, và về cơ bản nước này đã thực hiện được việc chia sẻ dữ liệu về đất liền, bản đồ, đại dương, địa chất, khai thác mỏ, lâm nghiệp và cỏ. Các vệ tinh trên đất liền đã tạo ra hơn 1,73 triệu mục dữ liệu và các vệ tinh trên biển đã tạo ra hơn 2,74 triệu mục dữ liệu. Trong đó, việc xác định trước các thảm họa địa chất tiềm ẩn là một phần quan trọng của hệ thống cảnh báo được cung cấp dữ liệu bởi công nghệ vệ tinh viễn thám.