Vùng khảo sát tác động từ các dự án điện gió, ngoài tập trung ở huyện Hướng Hóa nên mở rộng, đánh giá toàn diện trên toàn tỉnh, nhất là vùng Đakrông, Cam Lộ…
Theo đề cương do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị trình bày, dự kiến báo cáo đánh giá tác động tổng hợp (tích cực và tiêu cực) của các dự án phát triển năng lượng tái tạo đến kinh tế – xã hội, môi trường tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được biên soạn dưới dạng 8 chuyên đề chính gồm: Đánh giá tác động của các dự án năng lượng gió (chú trọng vấn đề xói lở, ảnh hưởng giao thông, tài nguyên sinh vật, tài nguyên đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư…);
Dự báo nguy cơ sạt lở do hoạt động điện gió bằng phương pháp tích hợp mô hình thứ bậc; Thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thiết bị bay không người lái để chụp, phân tích, xử lý hình ảnh và dự báo, cảnh báo sạt lở; Đánh giá tác động các dự án năng lượng mặt trời (chú trọng vấn đề cát bay, cát nhảy, ảnh hưởng đến môi trường không khí, nước, sinh vật, bồi thường tái định cư…);
Đánh giá tác động các dự án thủy điện (chú trọng vấn đề xói lở, ảnh hưởng đến chất lượng nước, trầm tích, tài nguyên sinh vật, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư…); Dự báo nguy cơ sạt lở đất do hoạt động của thủy điện bằng phương pháp tích hợp mô hình thứ bậc; Đánh giá sức chứa lãnh thổ trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí phù hợp cho xây dựng năng lượng tái tạo ở tỉnh Quảng Trị; Đánh giá tác động môi trường xã hội của các loại hình năng lượng tái tạo.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại diện các sở, ngành đề nghị tập trung đánh giá tác động của các dự án năng lượng tái tạo vào 3 tài nguyên chính là đất, rừng và nước. Bổ sung các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ tài nguyên môi trường.
Vùng khảo sát của đề cương nhiệm vụ mới tập trung ở huyện Hướng Hóa, nên mở rộng và đánh giá toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là vùng Đakrông, Cam Lộ và ven biển.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động của dự án năng lượng tái tạo không chỉ vùng triển khai dự án mà phải đánh giá tác động đối với vùng hạ du. Cần lưu ý sự cố môi trường đã xảy ra trên địa bàn tỉnh như tình trạng sạt lở đất trong những năm gần đây. Thời gian thực hiện cần đẩy nhanh hoàn thiện việc đánh giá càng sớm càng tốt.
Cần xây dựng kịch bản phát triển cho từng quy mô phát triển năng lượng nhất định. Đánh giá sinh kế cho người dân trong vùng phát triển năng lượng tái tạo. Về tư vấn cần chọn đơn vị có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học năng lượng tái tạo chuyên sâu.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến nên tập trung đánh giá tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế – xã hội, môi trường của các dự án điện gióvà một số dự án thủy điện đã cấp phép chứ không nên đánh giá toàn bộ lĩnh vực năng lượng tái tạo vì quá rộng. Tầm nhìn đánh giá tác động cần mang tính dài hạn, chiến lược.
Tuy nhiên, cần có cơ sở khoa học và thực tế về tác động của những dự án năng lượng đã hoàn thành, đang thi công và những dự án sẽ thi công để có cái nhìn tổng quan, đầy đủ các mặt từ môi trường, đất, nước, tiếng ồn, đa dạng sinh học, sạt lở, bản sắc dân tộc, đời sống người dân trong vùng dự án…, kể cả việc tham vấn ý kiến cộng đồng để chứng minh, trả lời cho những băn khoăn, lo ngại đang đặt ra từ thực tiễn phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, đưa ra khuyến nghị, đề xuất giải pháp cho chính quyền trong quy hoạch, định hướng ngành công nghiệp này.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tìm kiếm đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, am hiểu về điện gió và đủ năng lực thực hiện để đưa ra đánh giá mang tính chiến lược và có khuyến nghị chính xác. Phấn đấu hoàn thành việc đánh giá tác động trong quý II/2022.
Mới đây, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã có văn bản đề nghị tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ tại khu vực các dự án điện gió phía Tây. Trong đó, một nội dung quan trọng là yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh không xem xét cấp chủ trương đầu tư các dự án năng lượng mới khi chưa hoàn thành việc đánh tổng thể tác động môi trường phát triển các dự án năng lượng.
Đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có 31 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW; trong đó 2 dự án công suất 60MW đã đi vào hoạt động; 26 dự án với công suất 1.027,2MW đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư; 3 dự án với tổng công suất 90MW đang thực hiện các thủ tục để cấp chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục đề xuất Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch 53 dự án điện gió với tổng công suất 2.853,65MW. |