Làng nông nghiệp ứng phó BĐKH: Đặt người nông dân ở trung tâm

Để các giải pháp nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) mang lại chuyển biến thực sự, cần đặt người nông dân ở trung tâm của mọi quá trình.

Ngày 19/08/2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) công bố ấn phẩm “Làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu: Đặt người nông dân ở trung tâm“. Dựa trên kinh nghiệm thực hiện Dự án VOF nhằm tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam, tài liệu này cung cấp góc nhìn tổng quan về các mô hình dự án tại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, đồng thời đề xuất cách tiếp cận toàn diện cho các giải pháp nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay.

Từ năm 2019, trong khuôn khổ dự án VOF, PanNature cùng các đối tác đã xây dựng các Làng nông nghiệp ứng phó (NNƯP) BĐKH tại 6 địa bàn thuộc hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Khác với các dự án chỉ tập trung cải tiến kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, mô hình này hướng tới thúc đẩy người nông dân sản xuất nông nghiệp trong mối quan hệ hài hòa với điều kiện tự nhiên, tư liệu sản xuất, chính sách và thị trường.

“Biến đổi khí hậu đang ngày càng tạo ra nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng. Theo một khảo sát của chúng tôi vào năm 2017 tại 7 xã ở các tỉnh Tây Bắc, mỗi bản làng đều gặp những vấn đề rất khác nhau với BĐKH. Như vậy, không thể kỳ vọng có một chính sách chung cho tất cả, mà mỗi địa phương đều cần phải cân nhắc vấn đề ứng phó BĐKH trong sản xuất nông nghiệp khi lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, chỉ khoảng 6% người dân tham gia khảo sát cho biết họ được tham gia đóng góp ý kiến vào bản kế hoạch này của xã. Đây là điều đáng để suy nghĩ, bởi nông dân vừa là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của BĐKH, vừa là những người trực tiếp thực hiện các hành động ứng phó trên ruộng đồng”, ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc PanNature cho biết.

Xuất phát từ thực tiễn này, PanNature đã thành lập và điều phối các Nhóm nông dân ứng phó (NDƯP) BĐKH như một nhân tố cốt lõi của mỗi Làng NNƯP. Với 10 thành viên do chính dân làng bầu ra, trước hết, Nhóm NDƯP là cơ chế đại diện cho tiếng nói của người dân trước chính quyền địa phương trong các vấn đề về sản xuất nông nghiệp để thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Cùng những kỹ năng cần thiết được trang bị qua các khóa tập huấn khác nhau, Nhóm NDƯP sẽ trở thành lớp tiên phong tham gia vào quá trình hình thành và phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Nhóm nông dân ứng phó bản Nà Cà (Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu) thảo luận về cây trồng, vật nuôi tại địa phương

Cụ thể, ở mỗi bản mục tiêu, Nhóm NDƯP được trực tiếp thảo luận để lựa chọn mô hình nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường của từng địa phương. Họ cũng là những người học và trải nghiệm các lớp tập huấn nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường ngay tại ruộng đồng. Trên hết, các Nhóm NDƯP được thúc đẩy tham gia lập kế hoạch sản xuất và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như tìm kiếm thị trường và trở thành đầu mối liên kết dân làng với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi cung ứng. Từ đó, việc xây dựng các Làng NNƯP hướng tới giải quyết ba vấn đề chính: vừa đảm bảo năng suất và thu nhập từ nông nghiệp cho người dân, vừa giúp sản xuất nông nghiệp thích ứng trước tác động của BĐKH, và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Với các Làng NNƯP, Dự án VOF không đi theo cách tiếp cận từ trên xuống – khuyên người nông dân nên trồng cây này, nuôi con kia, mà đi từ bối cảnh kinh tế, xã hội, môi trường và chính sách của mỗi vùng, kết hợp với nguyện vọng của người dân tại vùng để phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp. Với những cây trồng, vật nuôi thích ứng kém với BĐKH như cây ngô tại bản Nà Khái (Yên Châu, Sơn La), cây sắn tại bản Thín (Vân Hồ, Sơn La) hay cây lúa ở bản Nà Cà (Tam Đường, Lai Châu), tất cả thành viên Nhóm NDƯP sẽ họp bàn cùng nhau để tìm ra định hướng chuyển đổi. Với cây trồng vật nuôi vẫn phù hợp với điều kiện địa phương song thực hành nông nghiệp lại gây ra tác động tiêu cực tới môi trường (nuôi bò dưới gầm sàn, không xử lý phân gia súc ở bản Phé A (Thuận Châu, Sơn La), trồng lúa theo phương pháp truyền thống ở bản Hợp 1 (Phong Thổ, Lai Châu) hay bản Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La), người dân và dự án VOF sẽ làm việc cùng nhau để cải thiện phương pháp nuôi trồng sao cho thân thiện và bền vững hơn. Không chỉ vậy, tất cả quá trình này phải cùng lúc tính toán tới các vấn đề về chỉ tiêu nông nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm tại từng địa phương.

Mô hình trồng xoài xen dứa thay thế cho cây sắn tại bản Thín (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) vừa giúp người dân tăng thu nhập, vừa khắc phục tình trạng sạt lở, rửa trôi đất.

“Việc thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là vấn đề lớn nhất của tất cả chúng ta trong 50 năm tới. Chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ thông qua việc đào tạo các phương pháp canh tác mới và đồng thời cố gắng giảm thiểu lượng phát thải ra môi trường. Ngành nông nghiệp ở Việt Nam có thể làm được cả hai điều này, nhưng không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả các địa phương khác nhau”, ông Soren Thorndal Jorgensen, Chủ tịch tổ chức ADDA Đan Mạch kiêm Trưởng đại diện văn phòng ADDA Việt Nam phát biểu.

“Giống như việc “may đo” từ cấp cơ sở để tạo nên các Làng NNƯP phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, tất cả mọi đặc thù về chính sách, kinh tế, xã hội, môi trường của từng địa phương đều cần phải đưa ra cân nhắc. Tuy khó nhưng cũng giá trị ở chính chỗ đó, vì khi cho ra được một giải pháp, giải pháp đó sẽ đứng hài hòa trong bức tranh tổng thể của địa phương”, ông Nguyễn Đức Tố Lưu – Điều phối viên Dự án VOF chia sẻ.

Để phát huy vai trò đại diện của các Nhóm NDƯP, PanNature và các đối tác đã tích cực trao đổi và thu hút sự ủng hộ của lãnh đạo các địa phương. Thông qua các hội thảo, đối thoại và thỏa thuận được ký kết, Nhóm NDƯP và đại diện UBND các xã mục tiêu có thể thường xuyên trao đổi để đưa ra các quyết sách về nông nghiệp, nhất là nông nghiệp có lồng ghép các biện pháp cụ thể để ứng phó với BĐKH.

Bên cạnh đó, bằng phương pháp “nông dân dạy nông dân”, các Nhóm NDƯP sẽ trở thành những hạt nhân tích cực và bền bỉ để thúc đẩy cộng đồng học tập, áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững. Tất cả những điều này mang tới kỳ vọng những kết quả của mô hình Làng NNƯP sẽ được duy trì một cách tự nhiên bởi các cộng đồng và chính quyền địa phương ngay cả sau khi Dự án kết thúc, điều sẽ không đạt được nếu chỉ triển khai các mô hình cải tiến nông nghiệp đơn thuần.

Nguồn: