Sáng 24/8, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán hổ và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam”.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho biết: Tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD), nhất là tiêu thụ hổ ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa diễn ra ngày càng phức tạp và các đối tượng vô cùng manh động. Vụ tịch thu 17 cá thể tại hai hộ nhà dân ở Đô Thành, Nghệ An vào rạng sáng 4/8, và trước đó là vụ tịch thu 7 cá thể hổ con vận chuyển trái phép từ Hà Tĩnh sang Nghệ An tiêu thụ có lẽ mới chỉ là một phần của bức tranh về tình trạng nuôi nhốt ĐVHD bất hợp pháp này.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ có liên quan mật thiết đến các mạng lưới buôn lậu. Báo cáo tội phạm ĐVHD 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định “hổ nuôi nhốt ở Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp”. Báo cáo nghiên cứu của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) trong năm 2019 cũng cho thấy có đến 58% số hổ bị thu giữ ở Thái Lan và 30% số hổ bị thu giữ ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2000 – 2018 được xác định từ nguồn nuôi nhốt.
Cũng chính vì mối lo ngại rằng hổ nuôi nhốt có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực bảo tồn mà từ năm 2007, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm nuôi hổ vì mục đích thương mai. Tuy nhiên, nhiều trang trại tại các châu lục, đặc biệt là châu Á, trong đó có Việt Nam vẫn vi phạm lệnh cấm này nhằm thu lợi bất chính.
Theo ông Vương Tiến Mạnh – Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 300 cá thể hổ đang được nuôi tại các cơ sở khác nhau. Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể bị gây nuôi bất hợp pháp. Đa phần các cơ sở nuôi hổ có điều kiện tốt, tuy nhiên có một số cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn và nhân đạo. Số lượng hổ bắt giữ lớn gây quá tải hệ thống cứu hộ và bản thân các cơ sở cứu hộ thiếu điều kiện kinh phí, kỹ thuật để duy trì quần thể hổ thu giữ từ các vụ án.
Song song với đó, có nhiều thách thức trong việc quản lý nuôi hổ như số lượng hổ nuôi tại các cơ sở ngày một tăng do sinh sản tại các cơ sở và hổ bắt giữ từ các vụ buôn bán, nuôi nhốt trái pháp luật. Các cơ sở chưa được quản lý, truy xuất đồng bộ (gắn chip, lấy mẫu AND) dẫn đến rủi ro bị thay đổi nguồn gốc. Một số cơ sở nuôi chưa đáp ứng điều kiện an toàn, điều kiện sống phù hợp. Đồng thời, còn hiện tượng nuôi trái pháp luật với các thủ đoạn tinh vi, thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành còn hạn chế, chưa huy động được sự hộ trỗ về tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức Phi chính phủ.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: Hiện nay, các hoạt động buôn bán, tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và không có dấu hiệu “giảm nhiệt” qua các năm. Trong đó, Nghệ An được coi là điểm nóng về nuôi nhốt ĐVHD trái phép, đặc biệt tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Hiện có hàng trăm cá thể hổ vẫn đang bị nuôi nhốt trái phép trong hầm tại nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện này.
Bên cạnh đó, các vi phạm về hổ diễn ra rất nhiều trên mạng xã hội, tuy nhiên những năm gần đây các vụ việc xét xử rất ít. Năm 2020 có 4 vụ vi phạm, 2 vụ đưa ra xét xử các đối tượng được hưởng án treo; năm 2019 có 14 vụ việc thì 13 vụ việc đã đưa ra xét xử, 9 vụ có các đối tượng áp dụng tù giam; năm 2018 có đối tượng Hoàng Đình Quân ở Yên Thành, Nghệ An vận chuyển trái phép 5 cá thể hổ con đông lạnh và nhiều sản phẩm khác của hổ cũng như của các loài ĐVHD khác từ tỉnh Nghệ An về tỉnh Quảng Ninh bị phạt 10 năm tù, là mức cao nhất đối với buôn bán hổ thời điểm này.
Tại tọa đàm, đa số các chuyên ra đều cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép; xử lý nghiêm các vi phạm buôn bán, nuôi nhốt hổ nói riêng và buôn bán ĐVHD nói chung, đặc biệt là các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép; tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm trên mạng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người. Trong đó, theo ông Vương Tiến Mạnh, có 3 giải pháp cần thực hiện ngay đề hạn chế, giải quyết tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép. Đó là, tăng cường thực thi pháp luật; quản lý các cơ sở nuôi nhốt; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức người dân trong giảm thiểu nhu cầu sản phẩm từ hổ.