Các nhà khoa học ước tính trên thế giới có khoảng hơn 1.000 cá thể voọc Chà Vá chân xám còn tồn tại ở ngoài tự nhiên, chủ yếu phân bố ở Việt Nam.
Nhận được thông tin người dân tại huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho Nhà nước, dù đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng Vườn quốc gia Cúc Phương đã tích cực phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi và Quỹ bảo tồn các loài Chà Vá, khẩn trương làm các thủ tục cần thiết, tổ chức cứu hộ bằng được cá thể trên.
Ê kíp Cứu hộ của EPRC (Chương trình Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp), di chuyển bằng ô tô, với lương khô, bánh mỳ đã vượt hàng nghìn cây số, kịp tiếp cận động vật. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, đã ngay lập tức quay về. Rạng sáng 22/8, hành trình đầy cảm xúc cứu hộ cá thể voọc Chà Vá chân xám trong đại dịch đã thành công.
Hiện cá thể trên được cách ly tại Khu Kiểm dịch của EPRC, trong tình trạng sức khoẻ yếu do được cho ăn những loại thức ăn không phù hợp. Tại đây, các chuyên gia và kỹ thuật viên sẽ nỗ lực để cá thể này ổn định sức khỏe, tâm lý và thay đổi chế độ thức ăn phù hợp nhất. Sau đó, chú voọc này sẽ được di chuyển tới khu chăm sóc dài hạn để đánh giá khả năng tái thả trở lại môi trường tự nhiên.
Chà Vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ Thế giới (IUCN); thuộc nhóm IB, loài nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại thuộc Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Các nhà khoa học ước tính trên thế giới có khoảng hơn 1.000 cá thể voọc Chà Vá chân xám còn tồn tại ở ngoài tự nhiên, chủ yếu phân bố ở Việt Nam.
Hiện tại, Vườn quốc gia Cúc Phương đang triển khai nhiều chương trình cùng chung tay chăm sóc động vật cứu hộ với nhiều hình thức lựa chọn như “bảo trợ” hoặc “ủng hộ”…