Liên quan đến vụ giải cứu 24 cá thể hổ nuôi nhốt tại Nghệ An, ngày 23.8, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, 14 tổ chức NGO hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã tại Việt Nam vừa gửi thư ngỏ đến các Bộ trưởng và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Trong nội dung thư ngỏ gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công An và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc cần thiết phải rà soát, kiểm tra và xử lý các hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, các tổ chức mong muốn các ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29/CT-TTg về các giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD ký ngày 23.7.2020.
Mặc dù đã được ban hành hơn một năm nhưng việc buôn bán và sử dụng, nuôi nhốt trái phép ĐVHD vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương mà thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Cụ thể là 3 vụ án liên quan đến buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã quý hiếm, trong đó đã tịch thu 24 cá thể Hổ và 4 cá thể Tê tê Java, đặc biệt là vụ án bắt giữ 17 cá thể hổ tại xã Đô Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An diễn ra vào đầu tháng 8.2021 đã khiến cộng đồng dậy sóng.
Sự thành công của 3 chuyên án chỉ trong một thời gian ngắn đã khẳng định được quyết tâm của Công an tỉnh Nghệ An nói riêng và của các bộ ngành nói chung trong việc thực hiện Chỉ thị 29.
Tuy nhiên, các hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép vẫn đang lén lút diễn ra. Hậu quả là ảnh hưởng không nhỏ đến sự đa dạng sinh học và đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng, đến phúc lợi của động vật, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền từ động vật sang người và uy tín của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW cho biết: “Theo các nghiên cứu phỏng vấn các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã ở Việt Nam của các tổ chức như SVW cho thấy, bình quân cứ 5 trang trại được phỏng vấn thì có 1 trang trại nuôi nhốt, buôn bán trái pháp luật.
Mong muốn lớn nhất của các tổ chức phi lợi nhuận trong việc ký thư này là các Bộ và UBND tỉnh vào cuộc một cách thực sự và kiên quyết, tiến hành rà soát tất cả các cơ sở, cá nhân, hộ gia đình có nuôi nhốt ĐVHD và kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong nuôi nhốt ĐVHD trái pháp luật. Chúng tôi hi vọng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23.7.2020”.
Thư ngỏ của 14 tổ chức phi lợi nhuận làm việc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học không chỉ đưa ra những sáng kiến thúc đẩy việc quản lý ĐVHD hiệu quả, mà còn thể hiện sự cam kết của các tổ chức này trong việc hỗ trợ, phối hợp với các chính quyền địa phương để giải quyết vấn nạn nuôi nhốt ĐVHD trái phép. Các tổ chức này đã nêu rõ những lĩnh vực hoạt động của họ và địa chỉ liên lạc để các đơn vị chức năng dễ dàng liên hệ.
“Trong tình hình dịch bệnh, hệ thống các bưu điện không còn nhận chuyển fax nhanh đến địa bàn nhiều tỉnh và thành phố phía Nam. Chúng tôi sẽ kết hợp việc gửi thư qua đường bưu điện và gửi bản điện tử qua các địa chỉ email đến các Bộ và UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc TW và hi vọng sớm nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ và phản hồi của các đơn vị,” ông Nguyễn Văn Thái cho biết thêm.