Mục tiêu đến năm 2030, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi…
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học liên quan tổ chức triển khai xây dựng dự thảo “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đến nay, dự thảo Chiến lược và dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đã được xây dựng.
Theo Bộ TN-MT, sau gần 8 năm thực hiện Chiến lược 2020, hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực có danh hiệu quốc tế được củng cố và mở rộng, nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi. Việc bảo vệ các loài hoang dã và giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm đã đạt được một số kết quả tích cực…
Tuy nhiên, Bộ TN-MT cũng chỉ ra rằng Chiến lược 2020 vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Cụ thể, một số mục tiêu định lượng của Chiến lược 2020 không đạt được, như tỷ lệ diện tích khu bảo tồn trên cạn so với diện tích lãnh thổ mới đạt được 7,1%, trong khi đó mục tiêu đề ra là 9%; tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển so với diện tích vùng biển mới đạt được 0,19% (mục tiêu đề ra là 0,24%).
Hiệu quả quản lý khu bảo tồn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn xảy ra nhiều vụ khai thác trái phép gỗ và săn bắt động vật hoang dã; việc thực thi pháp luật đa dạng sinh học chưa hiệu quả, tình trạng buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm của chúng vẫn diễn biến phức tạp…
Vì vậy, Bộ TN-MT nhấn mạnh: “Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược 2030) được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để đa dạng sinh học được bảo tồn, phục hồi, phát triển; dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững góp phần phát triển kinh tế – xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người dân”.
Theo đó, dự thảo Chiến lược 2030 được xây dựng với 5 quan điểm, bao gồm đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng – nền tảng để bảo đảm phát triển bền vững đất nước; bảo tồn đa dạng sinh học là một trong các giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái; đa dạng sinh học góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường thể chế và thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương; ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái; thực hiện tiếp cận quản lý tổng hợp hệ sinh thái và bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển.
Mục tiêu đến năm 2030, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi; nâng cao hiệu quả bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; nguồn gen được duy trì bảo tồn và phát triển.
Sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học. Quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đô thị; thích ứng với biến đổi khí hậu.