Câu chuyện giải cứu hổ bị nuôi nhốt trái phép tại Nghệ An cho thấy, cần có một bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật hoang dã, hay có một đề án xây dựng và vận hành các trung tâm cứu hộ – bảo tồn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cứu hộ,… để tránh lặp lại những điều đáng tiếc như việc 8/17 con hổ bị chết sau giải cứu.
Vừa qua, việc “giải cứu” 17 chú hổ khỏi những căn hầm nuôi nhốt trái phép tại nhà dân ở Nghệ An đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Các cuộc tranh luận không chỉ xoay quanh việc tại sao những con hổ bị nuôi nhốt đó không sớm bị phát hiện mà còn quanh việc gần một nửa trong số đó bị chết ngay sau đó. Liệu có sai sót nào trong quá trình giải cứu những con vật này hay không là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn, và đồng thời còn có cả những nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình giải cứu và xử lý tang vật.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của gần một nửa đàn hổ này hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, do đó chúng ta khó có thể kết luận được chính xác lý do nào đã đưa đến kết quả đáng tiếc ấy. Song, từ sự kiện này, có thể thấy có một vấn đề rất đáng được bàn thảo: các cuộc giải cứu động vật hoang dã, đặc biệt là với những loài thú lớn như gấu, hổ có thể làm phát sinh những vấn đề gì? Và lực lượng chức năng cũng như các đơn vị cứu hộ có cách gì để giảm thiểu trường hợp như vậy?
Bài toán khó từ nhiều góc độ
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, việc cứu hộ các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt hoặc buôn bán trái phép là một vấn đề rất rủi ro và phức tạp, cả về mặt chuyên môn cũng như về pháp lý và tài chính. Trao đổi với KH&PT, một tiến sỹ công tác tại Bộ môn Động vật học và Bảo tồn, Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) giải thích, động vật hoang dã là những loài vốn đang thích nghi với cuộc sống tự nhiên qua nhiều thế hệ, song lại bị bắt nhốt hoặc phải sinh sản nhân tạo trong điều kiện gây nuôi. Do đó, chúng có thể bị stress rất nặng và mắc nhiều bệnh chuyển hóa, và các bệnh khác do phải sống trong môi trường chật hẹp, không được vận động ngoài tự nhiên.
Không chỉ vậy, theo ông Trần Lê Trà – Cố vấn khoa học của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), trong một số trường hợp (ví dụ như khi vận chuyển đi buôn bán), các con thú này thường bị nhồi nhét, bó buộc, đánh thuốc, phải đi quãng đường xa hoặc bị nhốt và khai thác tàn bạo trong thời gian dài, do đó phần lớn sức khỏe đã yếu. Với tình trạng như vậy, việc giải cứu chúng sẽ có những rủi ro rất lớn và cần đến rất nhiều sự phối hợp cùng các nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm về thú y.
Trong điều kiện lý tưởng, một cuộc giải cứu đúng cách cần phải đáp ứng được năm yêu cầu: có đủ kinh phí để chăm sóc các cá thể động vật hoang dã; có đủ nơi ở cho chúng; có đủ chuyên gia tốt nhất để cứu hộ, đặc biệt là chuyên gia trong các khâu quan trọng như bắn thuốc mê và chăm sóc y tế; có thời gian hoàn thành thủ tục bàn giao động vật hoang dã đến nơi chăm sóc ngắn nhất; và có sự phối hợp tốt nhất giữa các lực lượng chức năng theo một quy trình thống nhất. Chỉ khi tất cả các khâu trên đã hoàn tất thì công an và kiểm lâm mới nên tiến hành phá án, tiến sỹ ở Đại học Khoa học Tự nhiên cho hay.
Trên thực tế, quy trình này không phải lúc nào cũng có thể được đảm bảo. Chia sẻ thêm về thực tế này trong vụ giải cứu hổ vừa qua, ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (SVW) – đơn vị đã tiếp nhận bảy cá thể hổ con từ Công an tỉnh Nghệ An – cho biết, điều khó nhất đối với cơ quan chức năng khi tiến hành phá án là sự phức tạp của địa bàn tại khu vực này. “Do đây là cơ sở nuôi động vật hoang dã trái phép lâu năm với những hành vi phức tạp và có tính nguy hiểm cao, việc tịch thu, giải cứu hổ cần phải rất nhanh, gọn”. Với các vụ án lớn, việc giải cứu cũng yêu cầu tính bảo mật cao để tránh “đánh động” các đối tượng vi phạm. Do đó, không phải lúc nào cũng có thể tìm được những cán bộ thú y có kinh nghiệm chăm sóc loài vật đang bị nuôi nhốt, chưa nói đến các trường hợp đột xuất như bắt quả tang động vật hoang dã đang được vận chuyển trên đường đi.
Một vấn đề khác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con vật là thuốc gây mê. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, các nhóm được giao nhiệm vụ bắn thuốc mê lại rất khó để nắm được thông tin chính xác về số lượng con vật cần giải cứu cũng như trọng lượng của chúng. “Ví dụ như đợt thu giữ hổ ở Nghệ An lần này, họ đoán rằng con vật chỉ nặng từ 80-100kg thôi. Nhưng khi vào hiện trường thì thực tế hổ lại nặng đến 200kg”, ông Nguyễn Văn Thái cho biết. Lúc này, những người phụ trách việc gây mê bắt buộc phải đưa ra ước đoán về liều lượng tiêm bổ sung trong một thời gian ngắn.
“Đây là bước rất khó khăn và cần kinh nghiệm, nhưng những người chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm lại không có nhiều”, tiến sỹ ở Đại học Khoa học Tự nhiên nói, nhất là khi việc gây mê ở mỗi loài vật, đặc biệt là các loài thú lớn lại rất khác nhau. Để đảm bảo an toàn cho người cứu hộ, thông thường họ sẽ phải sử dụng thuốc mê liều cao hơn một chút, khiến rủi ro cho vật cứu hộ cũng tăng lên. Và do yêu cầu về thời gian, một yếu tố rất quan trọng là con vật phải được ở trong điều kiện rất thoáng khí, không vận động nhiều để tỉnh lại sau khi gây mê, cũng rất dễ bị bỏ qua, ông Thái cho biết.
Điểm khó hiện nay là sau khi được giải cứu, các con vật phải được chăm sóc ở những nơi có điều kiện phù hợp, song, ở Việt Nam không có nhiều trung tâm có khả năng tiếp nhận như vậy do điều kiện chuồng trại hạn chế và cũng không có kinh phí để chăm sóc. Đơn cử như với hổ, chỉ riêng tiền sữa cho bảy cá thể hổ con đã lên đến 1,2 triệu VNĐ/ngày, còn đối với các cá thể hổ trưởng thành, tiền thức ăn có thể phải lên đến cả tỉ đồng/năm. “Trong khi đó, một số con vật như hổ khi đã bị nuôi nhốt sẽ không thể thả được về rừng nữa do chúng đã mất hết khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, cũng như có xu hướng đến gần khu dân cư và có thể gây nguy hiểm cho con người”, ông Thái cho biết.
Vậy khi chưa đáp ứng được đủ các điều kiện lý tưởng, có thể để các con vật tại nhà dân đang nuôi nhốt để chuẩn bị chu toàn rồi mới tiến hành bắt giữ không? Ông Trần Lê Trà cho hay, điều này là không thể trong pháp luật hiện hành. “Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT về quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước không cho phép giao lại tang vật cho người vi phạm bảo quản”, ông nói. “Thêm vào đó, nếu như trong trường hợp cơ quan chức năng không hành động nhanh thì tang vật có thể bị tẩu tán, chủ mưu trốn đi. Và như thế người phạm tội có thể thoát tội một cách vô cùng nhẹ nhàng và pháp luật sẽ không được thực thi”.
Làm gì để giảm thiểu rủi ro trong cứu hộ?
Việc 8/17 chú hổ chết vừa qua “thực sự là một bài học để các bên có sự chuẩn bị tốt hơn cũng như đánh giá lại công tác thú y”, nhất là khi đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng tiến hành phá án và thu giữ số lượng động vật hoang dã lớn nhiều như vậy, ông Nguyễn Văn Thái nhận xét. Vậy có thể làm gì để giảm thiểu việc xảy ra những trường hợp tương tự?
Ông Trần Lê Trà cho rằng, Việt Nam cần có một quy chuẩn kỹ thuật chung về cứu hộ động vật hoang dã, qua đó không chỉ giúp người cứu hộ có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ mà đồng thời còn có thể giúp phân định trách nhiệm khi sự cố xảy ra. “Trong điều kiện đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu về cứu hộ còn rất hạn chế, việc có một bộ quy chuẩn để người thực hiện nắm được quy trình và áp dụng theo sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro”, ông Trần Lê Trà nói.
Đây cũng là nền tảng để nhiều tổ chức liên quan đến giải cứu như kiểm lâm, công an, y tế, tài chính, bảo tồn,.. phối hợp và triển khai kế hoạch giải cứu tốt hơn, nhất là đối với các nhóm thú lớn nguy hiểm. “Cần phải có một kế hoạch đầy đủ và chi tiết gồm các bước tiến hành, nhân lực tham gia, cơ sở vật chất, đánh giá nguy cơ, rủi ro, phương thức vận chuyển và thủ tục hành chính liên quan. Những thông tin quan trọng như tên loài, số lượng loài, số lượng cá thể, nguồn gốc xuất xứ, lịch sử, tình trạng sức khỏe của các cá thể động vật hoang dã nên được cung cấp cho đơn vị giải cứu để việc lên kế hoạch được chu toàn hơn”, ông Nguyễn Văn Thái nói.
Tuy nhiên, để có những giải pháp bền vững hơn, ông Trần Lê Trà cho rằng về lâu dài, chúng ta cần thay đổi quan điểm trong quản lý động vật hoang dã. Dù các chính sách pháp luật về bảo tồn của Việt Nam gần như không đi sau quốc gia nào, tuy nhiên, nhiều khi ưu tiên bảo tồn chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Lấy ví dụ về Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022, ông nhận xét, chương trình này đưa ra rất nhiều giải pháp và ưu tiên bảo tồn nguyên vị trong khi ở Việt Nam, gần như có thể nói rằng hổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Và cũng chính bởi ưu tiên bảo tồn nguyên vị nên chương trình lại không tập trung vào việc tăng cường năng lực cho cán bộ cứu hộ, bảo tồn hổ như các kỹ thuật viên, bác sĩ thú y, chuyên gia bảo tồn được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn hổ. “Trong điều kiện như vậy, thú hoang dã bị chết trong quá trình giải cứu sẽ xảy ra khá thường xuyên, không chỉ riêng với hổ”, ông chỉ ra vấn đề.
Bởi vậy, ông đề xuất, cần điều chỉnh trọng tâm chính sách để đảm bảo cân bằng với việc sẽ ưu tiên bảo tồn nguyên vị một số loài và ưu tiên bảo tồn chuyển vị một số loài khác. Đồng thời, “cần có một đề án về xây dựng và vận hành một số trung tâm cứu hộ – bảo tồn, trong đó có cả phần nâng cao năng lực cứu hộ, chữa bệnh, nghiên cứu, huấn luyện để có thể giải quyết được vấn đề này”, ông nói. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là bảo vệ các khu có thú như các khu rừng đặc dụng và phòng hộ, đồng thời thực thi pháp luật nghiêm ngặt với những người săn bắt, thu gom, trực tiếp mua bán trao đổi, nghĩa là “cần phải có rất nhiều giải pháp được thực hiện đồng thời”, ông Trà nhấn mạnh.