Cuộc khảo sát toàn cầu mới nhất cho thấy 73% số người được hỏi tin rằng con người đã đẩy trái đất đến giới hạn nguy hiểm và cần phải hành động gấp để cứu hành tinh.
Cuộc khảo sát của Ipsos Mori – công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London, Anh – thực hiện cho Liên minh Cộng đồng Toàn cầu (GCA) cho thấy người dân có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như những hậu quả do con người gây ra với thiên nhiên, Guardian cho biết.
3/4 số người được hỏi ở các quốc gia giàu có nhất thế giới tin rằng nhân loại đang đẩy hành tinh đến giới hạn nguy hiểm, và ủng hộ việc chuyển đổi ưu tiên khỏi lợi nhuận kinh tế.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát của Ipsos Mori cho thấy 58% số người được hỏi rất quan tâm, hoặc cực kỳ lo lắng về tình trạng hành tinh.
4/5 người được hỏi cho biết sẵn sàng đẩy mạnh và làm nhiều hơn nữa để tái tạo toàn cầu.
Ông Owen Gaffney, tác giả chính của báo cáo, nói rằng kết quả cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ trên toàn cầu đối với hành động khẩn cấp, quyết định đối với cuộc khủng hoảng khí hậu và thiên nhiên.
“Thế giới không còn mộng du trước thảm họa. Mọi người biết chúng ta đang chấp nhận rủi ro lớn. Họ muốn làm nhiều hơn và muốn chính phủ của họ hành động nhiều hơn nữa”, ông Gaffney nói.
Cuộc khảo sát này sẽ cung cấp thêm sự tự tin cho các nhà lãnh đạo G20 để đẩy nhanh hơn việc thực hiện các chính sách đầy tham vọng, nhằm bảo vệ và chung tay tái tạo toàn cầu, ông Gaffney cho biết thêm.
Nhà môi trường học người Kenya Elizabeth Wathuti đã viết trong đoạn mở đầu báo cáo:
“Những người nắm quyền dường như cảm thấy rằng việc chặt cây cổ thụ, hoặc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên để xây dựng các tòa nhà, đường sá, hoặc để khai thác dầu miễn là họ trồng lại cây mới là điều bình thường. Nhưng cách làm này không còn hiệu quả và những phát hiện trong báo cáo này cho thấy nhiều người không còn ủng hộ sự ngu xuẩn về kinh tế như vậy nữa”.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, trước đợt nắng nóng kỷ lục ở Bắc bán cầu, cũng như lũ lụt ở Trung Quốc, hỏa hoạn ở Nam Âu và một số nước khác.
Vài tháng trước đó, báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu cảnh báo biến đổi khí hậu là “không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược” do các hoạt động của con người.
Trong số các quốc gia G20 được khảo sát, 73% tin rằng hoạt động của con người đã đẩy Trái Đấy đến điểm giới hạn nguy hiểm. Sự nhận thức về rủi ro này cao hơn ở các nước đang phát triển.
Cụ thể Indonesia 86%, Thổ Nhĩ Kỳ 85%, Brazil 83%, Mexico 78% và Nam Phi 76%. Trong khi đó tỷ lệ này giảm ở các nước giàu nhất thế giới, Mỹ 60%, Nhật Bản 63%, Anh 65% và Australia 66%.
Nhìn chung 59% số người được hỏi tin rằng thiên nhiên đã tổn hại để có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu của con người trong dài hạn.
83% số người được hỏi ở các nước G20 muốn làm nhiều hơn nữa để để bảo vệ và khôi phục thiên nhiên. Nhìn chung 74% tin rằng các quốc gia không nên quá chú trọng vào tổng sản phẩm quốc nội và lợi nhuận, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào sức khỏe, hạnh phúc của con người và thiên nhiên.