Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên án những nước giàu vội vàng tiêm mũi tăng cường vắc-xin Covid-19, trong khi hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiêm ngừa.
Trước khi Mỹ thông báo những người tiêm phòng sớm đủ điều kiện sẽ được phép tiêm liều tăng cường, các chuyên gia WHO khẳng định không đủ bằng chứng khoa học cho thấy cần tiêm liều tăng cường.
Giám đốc khẩn cấp của WHO Mike Ryan ngày 18-8 chỉ trích: “Chúng ta đang định phát thêm áo phao cho người đã có áo phao, trong khi để mặc những người khác chết đuối mà không có chiếc áo phao nào. Thực tế cơ bản là chúng ta đang phát những chiếc áo phao thứ hai, trong khi khiến hàng triệu triệu người không có bất cứ thứ gì để bảo vệ”.
Đầu tháng này, WHO đã kêu gọi tạm dừng tiêm vắc-xin Covid-19 mũi thứ ba để giúp giảm bớt sự bất bình đẳng gay gắt trong việc phân bổ liều lượng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được một số quốc gia tiếp tục với kế hoạch bổ sung một mũi vắc-xin thứ ba, khi họ phải vật lộn để ngăn cản biến thể Delta.
Các nhà chức trách Mỹ hôm 18-8 cảnh báo hiệu quả tiêm chủng Covid-19 đang giảm dần theo thời gian và cho biết họ đã cho phép tiêm nhắc lại cho tất cả người Mỹ từ ngày 20-9, sau khi một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ được 8 tháng.
Giới chức Mỹ cho rằng mặc dù vắc-xin vẫn “hiệu quả đáng kể” trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong do tác động của Covid, khả năng bảo vệ có thể giảm trong những tháng tới nếu không được tăng cường tiêm chủng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Đó là cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta khỏi những biến thể mới có thể phát sinh”. Ông Biden cho biết chính phủ dự kiến sẽ cung cấp miễn phí 100 triệu mũi tiêm nhắc lại ở khoảng 80.000 địa điểm trên toàn quốc.
Washington đã cho phép tiêm một mũi bổ sung cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, nhân viên y tế và người lớn tuổi. Trước đó, Israel cũng tiêm mũi thứ ba cho những người Israel từ 50 tuổi trở lên.
Theo Reuters, có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ của vắc-xin Covid-19 sẽ mất dần sau 6 tháng trở lên, đặc biệt là ở những người lớn tuổi có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Trong khi đó, các chuyên gia của WHO nhấn mạnh khoa học vẫn chưa khẳng định có cần mũi tiêm tăng cường và nhấn mạnh việc đảm bảo cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi việc tiêm chủng đang bị chậm lại nhận được vắc-xin là quan trọng hơn nhiều.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo hôm 18-8: “Rõ ràng, điều quan trọng là phải có những mũi vắc-xin đầu tiên và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước khi mũi tăng cường được cung cấp. Sự phân chia giữa nhóm có và không sẽ chỉ lớn hơn nếu các nhà sản xuất và lãnh đạo ưu tiên tăng cường cung cấp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Virus đang phát triển và việc tập trung vào các mục tiêu dân tộc hẹp hòi không phải là lợi ích tốt nhất của các nhà lãnh đạo khi chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết và virus đang biến đổi nhanh chóng”.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Sự bất công về vắc-xin là một nỗi xấu hổ đối với toàn nhân loại và nếu chúng ta không cùng nhau giải quyết, chúng ta sẽ kéo dài giai đoạn cấp tính của đại dịch này trong nhiều năm, trong khi nó có thể kết thúc trong vài tháng”.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 18-8, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 209,6 triệu ca mắc Covid-19 và gần 4,4 triệu người tử vong.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 640.000 ca tử vong trong tổng số hơn 37,9 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 432.800 ca tử vong trong số gần 32,3 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với hơn 570.000 ca tử vong trong số hơn 20,4 triệu bệnh nhân. Peru là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất, cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân. |