Trong bối cảnh các nguồn lực khổng lồ đang được sử dụng để đẩy lùi COVID-19, WHO đang tập trung vào giải pháp “Một Sức khỏe” để ngăn sự bùng phát các đại dịch mới trong tương lai.
Trong bối cảnh các nguồn lực khổng lồ đã được đổ dồn vào việc đẩy lùi COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới đang tập trung vào chiến lược One Health (Một Sức khỏe) để ngăn chặn các đại dịch tương tự trong tương lai, theo tờ South China Morning Post.
Cụ thể hơn, Một Sức khỏe là sự thừa nhận rằng tất cả các hoạt động và thói quen của con người đều có tác động đến một hệ thống sinh thái chung. Ví dụ, việc mở rộng dân số và phá rừng của con người có thể dẫn đến nguy cơ động vật hoang dã truyền bệnh sang người.
Chính vì thế, sự sống trên Trái Đất cần được xem xét một cách tổng thể.
Một Sức khỏe là chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 của Đại hội đồng Y tế Thế giới, trong đó các quốc gia thành viên của WHO đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đây là lần đầu tiên hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các quốc gia áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe.
Mọi sự sống trên Trái Đất đều tác động lẫn nhau
Pháp và Đức đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến Một Sức khỏe, thừa nhận rằng biến đổi khí hậu có liên quan các hoạt động của con người. Lối sống và việc sản xuất lương thực đều có thể là những yếu tố tạo điều kiện cho virus truyền từ động vật sang người.
Ông Mike Ryan – giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO cho biết dân số thế giới đang tăng chóng mặt. Các hoạt động khai thác môi trường hoang dã và tài nguyên đang gây ra sức ép đối với hệ sinh thái. Chính điều này đang làm phát sinh các nguy cơ dịch bệnh ở người.
“Chúng ta đang sống trên một hành tinh mà cứ 10 năm thì dân số lại tăng thêm một tỉ người” – ông nói.
Nhu cầu cung cấp thức ăn cho dân số này đã tạo ra một cuộc cách mạng về sản xuất lương thực, dẫn đến việc phá hủy môi trường sống của động vật để nhường chỗ cho cây trồng và vật nuôi, đồng thời làm tăng nguy cơ lây lan virus. WHO ước tính 70% các đợt bùng phát dịch bệnh mới ở người trong 50 năm qua là do lây từ động vật sang người.
Cải thiện hợp tác chia sẻ thông tin giữa các chính phủ
Theo bà Wanda Markotter – đồng chủ tịch Hội đồng chuyên gia cấp cao về Một Sức khỏe, các tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 đã làm suy yếu vấn đề thực sự của đại dịch này. Đó là một đợt bùng phát ở một góc của thế giới có thể trở thành một đại dịch giết chết hàng triệu người và gây ra những thiệt hại kinh tế không thể lường trước được.
Nhà virus học Tony Della-Porta là cựu cố vấn về an toàn sinh học của WHO. Ông nhấn mạnh việc chia sẻ thông tin ở Trung Quốc cần được cải cách để xử lý dịch bệnh bùng phát.
“Tôi nghĩ vấn đề thực sự không phải là nguồn gốc của COVID-19 mà là thời gian để nhận ra nó và sau đó đưa ra các biện pháp kiểm soát” để ngăn chặn dịch bệnh” – ông nói.
Hội đồng Ban chuyên gia cấp cao Một Sức khỏe có 26 thành viên. Nhiệm vụ của cơ quan này là hỗ trợ cải thiện hợp tác giữa các chính phủ, cũng như phối hợp hành động giữa các ngành như y tế, thú y và môi trường để đạt được kết quả sức khỏe tốt nhất có thể cho tất cả các loài.
Các thành viên được chọn từ 700 ứng viên và bao gồm các nhà khoa học từ Mỹ và Trung Quốc. Ông Gao Fu, tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cũng là một thành viên.
Bà Markotter tin rằng việc chia sẻ thông tin sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Một Sức khỏe. Bà bày tỏ hy vọng các vấn đề liên quan chia sẻ thông tin có thể được giải quyết vì bệnh truyền nhiễm là vấn đề mà mọi người đều quan tâm.
“COVID đã dạy chúng ta rằng những gì xảy ra ở một phần nhỏ của thế giới là vấn đề của tất cả mọi người” – bà nói.