Vệ tinh giám sát CO2 của Trung Quốc đã cung cấp bộ dữ liệu đầu tiên của nước này về lưu lượng carbon toàn cầu.
Bước đột phá này có nghĩa là Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba có khả năng giám sát định lượng ngân sách carbon toàn cầu từ không gian. “Vệ tinh TanSat đã chứng minh nó có thể thực hiện nhiệm vụ xuất sắc như các vệ tinh của Nhật Bản và Mỹ”, Yang Dongxu, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 16.8.
Kết quả quan trọng này đã được công bố trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.
Bộ dữ liệu lưu lượng carbon toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc dựa trên các phép đo của TanSat, bao gồm giai đoạn từ tháng 5.2017 đến tháng 4.2018. Các nhà khoa học Trung Quốc đã đưa ra một phương pháp phức tạp và nguyên bản ở giai đoạn xử lý, bao gồm cả truy xuất và đồng bộ hóa dữ liệu từ các phép đo quang phổ TanSat và nồng độ CO2 trong khí quyển để theo dõi lưu lượng carbon.
Nhà nghiên cứu Yang Dongxu cho biết: “Công đoạn xử lý khiến các nhà khoa học Trung Quốc mất khoảng 3 năm trước khi công bố sản phẩm cuối cùng và trong tương lai sẽ mất ít thời gian hơn vì họ đã tìm ra một hướng đi khả thi”.
CO2 là một phần không thể thiếu của bầu khí quyển Trái đất, được coi là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và là khí nhà kính chủ yếu phát thải qua các hoạt động của con người.
Do đó, giám sát phát thải trên quy mô toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn chung là một phương pháp mang tính xây dựng để đánh giá mỗi quốc gia đang góp phần làm chậm biến đổi khí hậu như thế nào.
Một bộ dữ liệu như vậy sẽ không chỉ được chia sẻ trong giới khoa học trên toàn thế giới, mà còn hỗ trợ các khách hàng từ các cơ quan chính phủ trong công việc liên quan đến quản lý carbon tại địa phương.
Dữ liệu từ TanSat và các sản phẩm như tập dữ liệu sẽ được chia sẻ miễn phí với thế giới thông qua kho lưu trữ dữ liệu TanSat.