Nóng lạnh bất thường và cực đoan làm cho hơn 5 triệu người dân toàn cầu thiệt mạng mỗi năm, trong đó có 2,6 triệu dân châu Á.
Đáng lưu tâm là hiện tượng này đã trở thành thường xuyên như hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên về mối liên quan giữa biến đổi khí hậu với tỷ lệ tử vong, vừa được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet.
Tỷ lệ tử vong vì lý do khí hậu được công bố chiếm 9,4% tổng số người chết trong vòng 2 thập niên qua. Đa số liên quan đến khí hậu lạnh, nhưng số tử vong vì thời tiết nóng đã tăng đều đặn.
Tại Đông Nam Á, ước tính có 190.000 người tử vong vì “thời tiết bất thường”, 89% trong số đó do khí hậu lạnh.
“Thời tiết lạnh là vấn đề nghiêm trọng hơn nóng, nhưng vì biến đổi khí hậu nên tỷ lệ đang thu hẹp đều”, giáo sư Yuming Guo từ Trung tâm Dữ liệu sinh học Y tế môi trường toàn cầu thuộc Đại học Monash, cũng là tác giả báo cáo trên tạp chí The Lancet nói. Trang CAN cho biết, giáo sư Guo nói rằng các dữ liệu được công bố nên được các chính phủ xem là cơ sở để tác động đến việc hoạch định chính sách an sinh xã hội ngay từ bây giờ. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ các dữ liệu chuyên sâu”, ông nói.
Tổng hợp dữ liệu thu thập từ 750 thành phố ở 43 quốc gia trong giai đoạn 2001 – 2019, vùng lãnh thổ, báo cáo chỉ ra châu Âu có tỷ lệ tử vong cao nhất vì thời tiết nóng, trong khi vùng hạ Sahara ở châu Phi lại rất sợ thời tiết lạnh. Nhóm nghiên cứu đã lập ra một thuật toán để các quốc gia có thể tự có phân tích cho riêng mình.
Khí hậu trái đất hiện đang dịch chuyển sang hướng nóng rõ rệt và rất nhanh. Công cụ Theo dõi Khí hậu (Climate Action Tracker – CAT) được nhóm giao sư Guo sử dụng đã dự báo đến năm 2100, nền nhiệt trái đất sẽ tăng 2,9oC so với nền nhiệt bình quân thời tiền công nghiệp. Riêng trong 2 thập niên nhóm giáo sư Guo nghiên cứu, cứ mỗi 1 thập niên nhiệt độ trái đất tăng 0,26oC.
Về lý thuyết, con người có thể thích nghi dần với sự thay đổi về nhiệt độ, tuy nhiên những biến động cực đoan chắc chắn sẽ vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe. Sóng thời tiết nóng trong những tuần gần đây là một nguyên nhân cấu thành gây ra các đợt cháy rừng khủng khiếp ở Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và thậm chí là ở cả vùng Siberia hàn đới ở Nga.
William Goggins, giáo sư khoa Y thuộc Đại học Trung Quốc tại Hong Kong lo lắng: “Ở nhiều vùng trên trái đất, nhiệt độ tăng chút một cũng gây ra tác hại vì không phải ai cũng đủ điều kiện mua sắm điều hòa nhiệt độ, với những vùng con người không quen với thời tiết nóng thì càng nguy hại hơn”.