Nepal: Hổ hoang dã tăng gấp đôi nhưng thách thức gấp bội

Nepal là quốc gia đầu tiên đạt được mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ vào năm 2022. Tuy nhiên, sự quá tải số lượng hổ tại các vườn quốc gia và nạn săn trộm hoành hành đang làm suy yếu nỗ lực đáng ghi nhận tại đất nước này.

Sự tăng nhanh quần thể hổ tại các vườn quốc gia đang đẩy hổ ra khỏi các khu bảo tồn để tìm kiếm lãnh thổ dẫn đến xung đột giữa người và hổ ngày càng nhiều. Trong khi đó, dưới tác động của Covid-19, hoạt động tuần tra của lực lượng kiểm lâm cũng hạn chế hơn khiến nạn săn trộm động vật hoang dã bao gồm hổ trong các vườn quốc gia càng đáng lo ngại.

Ảnh: WWF

Tháng 3 năm nay, một cá thể hổ được phát hiện trong tình trạng bị chết do vướng bẫy dây tại Vườn quốc gia Suklaphanta, gần biên giới Ấn Độ. Kể từ năm 2015, Phòng Tội phạm động vật hoang dã thuộc Cục Điều tra Trung ương của Cảnh sát Nepal (CIB) đã bắt giữ những kẻ buôn lậu và tịch thu 37 tấm da hổ cùng các bộ phận khác của hổ. Mặc dù hầu hết tang vật được cho là có nguồn gốc từ hổ Ấn Độ bị buôn bán qua Nepal đến Trung Quốc nhưng một số có thể có nguồn gốc từ hổ Nepal.

“Hổ là loài săn mồi gia súc ở đây, do đó, các ngôi làng chắc hẳn đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc bắt và giết hổ”, Ramesh Budathok, cán bộ phòng lâm nghiệp ở Banke bày tỏ lo ngại.

Không giống như Vườn quốc gia Chitwan – nơi có tương đối ít trường hợp tiếp xúc giữa hổ và người, các huyện Banke và Bardia ở vùng đồng bằng phía tây của Nepal báo cáo ngày càng có nhiều vụ hổ tấn công người dân và số vụ giết loài mèo lớn để trả đũa cũng tăng cao.

Asim Thapa ở Vườn quốc gia Bardia cho biết: “Việc săn trộm vẫn còn hiếm nhưng những cá thể hổ đang bị giết bởi một số hàng rào và bẫy điện do người dân dựng lên nhằm ngăn chặn sự tấn công của hổ. Đây là một bước thụt lùi trong nỗ lực bảo tồn của chúng tôi”.

Nepal là quốc gia có nhiều loài hổ đầu tiên đạt được mục tiêu quốc tế là tăng gấp đôi số lượng hổ vào năm 2022. Kết quả cuộc điều tra 3 năm trước đã thống kê được 235 cá thể hổ trong các vườn quốc gia trên cả nước, tăng 121 cá thể từ năm 2009. Nhưng Nepal hiện có thể là nạn nhân của thành công hy hữu này – quá đông hổ trong các khu bảo tồn và mật độ con mồi giảm khiến những cá thể hổ vào buộc phải mạo hiểm ra khỏi rừng để tìm kiếm thức ăn và tiếp xúc với con người. Song song với đó, những kẻ săn trộm động vật hoang dã cũng lợi dụng tình hình Covid-19 để buôn lậu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, làm suy yếu sự thành công của Nepal trong bảo tồn hổ.

Người đứng đầu Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Bardia Rabin Kadaria cho biết: “Dù buôn lậu động vật hoang dã hay người dân đầu độc hổ thì đó đều là những thách thức trong nỗ lực bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng”.

Tháng 4/2020 từng xảy ra vụ giết và lột da hổ ngay tại Vườn quốc gia Banke và đến tháng 7/2020 các đối tượng liên quan bị bắt giữ cùng tang vật.

“Hổ bị giết ở đâu cũng là vấn đề rất đáng quan ngại vì đây là những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Trước đó, chúng tôi từng truy quét những kẻ săn trộm buôn lậu hổ từ Ấn Độ nhưng số lượng hổ bị giết trong các vườn quốc gia của Nepal cũng ngày càng tăng”, nhà sinh thái học Haribhadra Acharya thuộc Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn Động vật Hoang dã cho biết.

Nepal nằm trên con đường buôn bán động vật hoang dã truyền thống từ Ấn Độ sang Trung Quốc nhưng hầu hết những kẻ buôn lậu bị bắt giữ đều chỉ là đối tượng được thuê vận chuyển hàng lậu qua biên giới, còn “những con cá lớn” thường không bao giờ bị bắt. Những kẻ cầm đầu tội phạm có tổ chức thường không bị trừng phạt hoặc sử dụng các kẽ hở của pháp luật và tham nhũng trong tư pháp để trốn thoát.

Không chỉ quan ngại bởi nạn săn trộm hổ, nạn săn trộm và giết tê giác tại Nepal cũng rất đáng báo động. Ngày càng xảy ra nhiều vụ bắn chết tê giác tại các vườn quốc gia hay các vụ buôn lậu gỗ đàn hương đỏ với nhiều nhóm đối tượng phức tạp, trong đó có những đối tượng từng là vàng tặc hoặc từng tham gia rất nhiều vụ săn trộm trong quá khứ và bị phạt tù.

Ảnh: KUNDA DIXIT

Tin tức về những vụ săn trộm đã gây sốc cho các nhà bảo tồn của Nepal, những người từng tự hào về thành tích săn trộm bằng không tại đất nước này, thậm chí không ít kẻ buôn lậu còn sử dụng quyền lực chính trị hoặc tham nhũng tư pháp để được thả tự do.

Linh Nhi (Theo nepalitimes.com)

Nguồn: