Cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại Mỹ có thể vượt 200.000 ca/ngày

Giám đốc Viện Y tế quốc gia Francis Collins cảnh báo số ca mắc COVID-19 hằng ngày tại Mỹ có thể vượt 200.000 ca, khi mà vẫn còn khoảng 90 triệu người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New York City, Mỹ. Ảnh: AFP

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, đến 6 giờ sáng 17/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 208.533.654 ca, trong đó có 4.382.087 người tử vong.

Ngày 16/8, thế giới có 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Số ca bệnh mới phát sinh trong 24 giờ qua là 471.930 và 7.325 ca tử vong. Các nước cũng ghi nhận 187.015.616 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.135.394 ca và 106.922 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Tại Mỹ, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Francis Collins cảnh báo do sự lây lan của biến thể Delta, số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận hằng ngày có thể vượt 200.000 ca trong vài tuần tới. Mỹ đang lâm vào khủng hoảng khi có tới 90 triệu người vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và việc số ca nhiễm mới quay trở lại mốc 200.000 ca/ngày là hiện thực phải đối mặt.

Ông Collins cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng số bệnh nhi COVID-19 nhập viện điều trị tăng mạnh, hiện đã lên tới gần 2.000 ca, trong đó có nhiều ca đang phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đáng báo động, trong đó có cả những bệnh nhi dưới 4 tuổi và đã có ít nhất 400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch COVID-19.

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins mới được công bố gần đây, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày của Mỹ tính đến 14/8 là 129.000 ca/ngày. Cũng trong 1 tuần qua, Mỹ có gần 94.000 ca mắc COVID-19 là trẻ em. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ đến ngày 5/8/2021, nước này đã có gần 4,3 triệu trẻ em dương tính với COVID-19.

Qua những con số dẫn chứng trên, ông Collins kêu gọi mọi người không nên chủ quan trước mối nguy hiểm của biến thể siêu lây nhiễm Delta đối với trẻ em và cần làm mọi cách để bảo vệ nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương này cũng như tất cả mọi người.

Hiện chưa có một quốc gia nào cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Trong khi đó, nhiều người Mỹ ở nước ngoài đã có kế hoạch trở về nước để tiêm mũi vaccine tăng cường. Họ viện dẫn lý do rằng cần phải nâng cao khả năng chống biến thể Delta hoặc cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể về công việc hoặc du lịch. Một số người tiêm mũi tăng cường sau khi tư vấn bác sĩ, song một số dựa trên hiểu biết qua các nghiên cứu đã công bố.

Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jason Gallagher tại trường Dược thuộc Đại học Temple cho rằng việc tiêm mũi tăng cường có thể không cần thiết, việc mũi tiêm thứ tư có lẽ là lãng phí, thậm chí đối với nhiều người mũi tiêm thứ ba là không cần thiết. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia hoãn việc tiêm mũi tăng cường cho người dân trong bối cảnh còn nhiều người trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Tuần trước, Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm mũi tăng cường cho người  bị suy giảm miễn dịch. Theo tính toán của giới chức y tế Mỹ, chưa tới 3% người trưởng thành tại Mỹ sẽ được tiêm mũi này, song nhiều khả năng chính sách tiêm mũi tăng cường sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Tình trạng dư thừa vaccine phòng COVID-19 tại Mỹ cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe phi tập trung là điều kiện để nhiều người, trong đó có du khách, có thể tiêm mũi tăng cường. Thống kê của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hơn 1,2 triệu người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi tăng cường sau khi tiêm đủ liều theo quy định.

Hãng dược Moderna cho biết vaccine của hãng không được phép tiêm cho những người đã tiêm đủ liều. Còn theo người phát ngôn của Tập đoàn bán lẻ dược phẩm CVS Health Corp, hãng này đã ra chính sách từ chối tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều tại các hiệu thuốc của hãng. Trong khi đó, chuỗi dược phẩm Walgreens đưa ra quy định người bệnh phải khai rõ đã tiêm đủ liều hay chưa trong quá trình hẹn khám.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Lao động Serbia – bà Darija Kisic Tepavcevic thông báo các cơ quan y tế nước này đã cho phép tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, đội ngũ nhân viên y tế và những người đã được tiêm vaccine ít nhất 6 tháng trước đây.

Theo đó, việc tiêm mũi tăng cường sẽ được triển khai từ ngày 17/8. Serbia đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19 mới, với mức độ bình quân 900 ca/ngày trong tuần qua do biến thể Delta. Hiện quốc gia này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người. Serbia đến nay đã ghi nhận tổng cộng 732.044 ca COVID-19, trong đó có 7.167 người tử vong.

Tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK đưa tin chính phủ nước này sẽ tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp  ở 7 tỉnh nữa, ngoài Tokyo và 5 khu vực khác, trong giai đoạn từ ngày 20/8-12/9. Các tỉnh trong danh sách này gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka và quyết định dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/8.

Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp áp dụng đến ngày 31/8 đối với thủ đô Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa cũng sẽ được gia hạn đến ngày 12/9.

Cùng ngày, Melbourne – thành phố lớn thứ hai của Australia – đã ban bố lệnh giới nghiêm phòng ngừa COVID-19 trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra.

Theo quyết định, người dân không được ra khỏi nhà từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu áp dụng từ tối 16/8 đến ngày 2/9. Những người làm các công việc thiết yếu phải có giấy phép đi đường.