Một nghiên cứu mới cho thấy chất ô nhiễm trong khói từ các đám cháy rừng lớn ở phía tây nước Mỹ đã gây ra sự gia tăng số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở một số bang.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng các hạt bồ hóng nhỏ trong khói từ cháy rừng, được gọi là PM2.5, có thể đã gây ra sự gia tăng đột biến số người bệnh và tử vong do Covid-19 ở các vùng phía tây nước Mỹ, Guardian đưa tin ngày 13/8.
Theo nghiên cứu, khói đã làm tăng tỷ lệ nhiễm virus lên gần 20% ở một số hạt nhất định ở các bang California, Washington và Oregon. Ở một số nơi, ô nhiễm không khí đã góp phần vào hơn một nửa số người chết vì Covid-19.
Nghiên cứu được xuất bản trên Science Advances, đã phân tích 92 hạt trên khắp California, Washington và Oregon.
Francesca Dominici, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Ở một số hạt, vào những ngày có nhiều khói từ cháy rừng, số ca Covid-19 tăng lên rất nhiều. Cháy rừng kết hợp với đại dịch có thể gây ra hậu quả thực sự thảm khốc”.
Một nghiên cứu trước đây, mà Dominici cũng tham gia, đã phát hiện ra rằng việc con người tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có liên quan đến sự gia tăng 11% số ca tử vong do Covid-19. Nghiên cứu khác từ năm ngoái cho thấy 15% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên khắp thế giới có liên quan đến việc hít không khí ô nhiễm.
Các nhà khoa học cho rằng chất ô nhiễm thải ra có thể giúp lây lan virus, đồng thời làm suy yếu phổi của con người, làm tăng khả năng người nhiễm virus bị bệnh nặng hoặc tử vong.
“Bất kỳ ai sống ở nơi bị ảnh hưởng từ cháy rừng hãy đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Về lâu dài, điều này một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc chống lại biến đổi khí hậu”.
George Thurston, một chuyên gia về y học môi trường tại Đại học New York, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Kết quả nghiên cứu là rất hợp lý. Hạt bụi cực nhỏ từ các đám cháy được biết đến là có khả năng hấp thụ và mang những chất độc khác trong không khí vào sâu bên trong phổi”.