Giới chuyên gia môi trường cho rằng, không có tỷ lệ giảm khổng lồ mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc, nỗ lực của cả thế giới cũng sẽ thất bại.
Cách đây chưa lâu, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng mục tiêu của Trung Quốc là đạt mức đỉnh về tăng trưởng khí thải chậm nhất năm 2030, sau đó sẽ tiệm tiến và đạt mức trung hòa khí thải CO2 trước năm 2060. Nhưng Chủ tịch Tập không nói rõ các giải pháp vĩ mô cho kế hoạch đầy tham vọng đó.
Bùng nổ
Trong khi hầu hết các quốc gia đều đang phải đối mặt nhiều khó khăn nội tại để kéo giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì Trung Quốc vấp phải những thách thức lớn nhất.
Tuy mức khí thải tính theo đầu người của nước này hiện chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ, nhưng với dân số khổng lồ tới 1,4 tỷ người, lại đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ nên tổng mức khí thải của Trung Quốc đang giữ ngôi vị quán quân.
Trung Quốc trở thành quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới từ năm 2006 và đến nay chưa một nước nào “chiếm” được ngôi vị đó của họ. ¼ tổng mức khí thải này của thế giới ngày nay được đóng mác “made in China”.
Theo các chuyên gia về môi trường, kéo giảm mức khí thải ở Trung Quốc là việc khả thi, nhưng cần những nỗ lực chuyển đổi đau đớn.
Than đã là nguồn sản xuất năng lượng của nước này nhiều thập kỷ qua, đến nay vẫn không ngừng tăng. Chủ tịch Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ cắt giảm mức tiêu thụ than từ năm 2026, nhưng liền vấp phải những chỉ trích từ cả chuyên gia và nhiều chính phủ khác rằng Trung Quốc làm vậy vẫn chưa đủ và chưa nhanh.
Một số nhà nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa cho biết, Trung Quốc cần xác định mốc năm 2050 để ngừng toàn bộ việc sử dụng than để sản xuất năng lượng, thay thế bằng năng lượng nguyên tử và các nguồn tái sinh khác.
Ấy vậy nhưng thay vì đưa ra một lộ trình tiệm tiến hoặc đóng cửa dần các nhà máy điện than, Trung Quốc đang xây mới những cơ sở nhiệt điện ở ít nhất 60 điểm rải rác toàn quốc, thậm chí ở nhiều nơi không chỉ là 1 cơ sở.
Philippe Ciais, nghiên cứu viên từ Viện Môi trường và Khoa học khí hậu ở Paris (Pháp) nói rằng, mỗi nhà máy có tuổi đời bình quân 30 đến 40 năm, chính vì vậy Trung Quốc cần quy hoạch tổng điện năng giảm dần từ than và xác định lộ trình đóng cửa các nhà máy cũ mới hòng cắt giảm mức khí thải.
Về lý thuyết là có thể thu hồi các loại khí thải độc hại trong quá trình sản xuất, nhưng công nghệ cho việc đó vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Trung Quốc thường biện luận quyền của họ được làm những gì các quốc gia phương Tây đã làm trong quá khứ, như một quyền đương nhiên trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế và xóa nghèo. Không chỉ ở trong nước, Trung Quốc còn tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, tuy cách thức này có giảm tốc trong thời gian gần đây.
Chuyển hướng năng lượng xanh
Vẫn theo nhóm nghiên cứu ở Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc nên đặt mục tiêu dùng năng lượng nguyên tử và các nguồn tái sinh để sản xuất 90% nhu cầu điện năng trước năm 2050. Tiến tới làm chủ và tạo dựng vị thế dẫn đầu như một nhà cung cấp công nghệ xanh, như năng lượng mặt trời hay pin công nghiệp sẽ giúp Trung Quốc tìm ra chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Thoạt tiên, Trung Quốc bập vào công nghệ xanh chỉ đơn giản là giải pháp giảm ô nhiễm môi trường. Giờ thì họ còn nhìn thấy lợi ích kinh tế phái sinh to lớn từ công nghệ xanh, không chỉ tạo ta hàng triệu việc làm mà còn giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung dầu mỏ, khí đốt từ nước ngoài.
“Trung Quốc đã đủ điều kiện sẵn sang dẫn dắt cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu”, Yue Cao từ Viện Phát triển hải ngoại khẳng định. “Chúng tôi đã có khả năng tìm kiếm và khai thác các công nghệ xanh rẻ hơn”.
Hiện thì Trung Quốc đã sản xuất điện từ năng lượng mặt trời nhiều hơn bất cứ nước nào. Nếu bỏ qua mức dân số lớn thì đó là dấu hiệu ấn tượng về đường đi của quốc gia này. Điện gió cũng là một mũi tiên phong với số điểm sản xuất đang nhiều nhất thế giới, tính đến năm 2020.
Trung Quốc xác định đến năm 2030, tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguyên liệu phi hóa thạch sẽ chiếm 25%. Các đánh giá độc lập cho biết có thể họ còn thành công sớm hơn mốc thời gian trên.
Tiên phong
Tính theo đầu người, Trung Quốc hiện đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ sử dụng ô tô điện. Tuy vậy, do dân số lớn, Trung Quốc lại sản xuất và tiêu thụ lượng ô tô điện lớn nhất thế giới. Hiện cứ trong 20 ô tô được bán ra thì có 1 chiếc là xe điện.
Vẫn chưa có đánh giá khoa học thống nhất việc chuyển hướng sang phương tiện giao thông điện sẽ giúp giảm khí thải như thế nào vì đây vẫn là công đoạn sản xuất hàng công nghiệp và nhất là liên quan đến thiết bị sạc – lưu điện. Nhưng có đánh giá chung là mức tạo khí thải trong cả vòng đời một chiếc xe điện vẫn thấp hơn đáng kể so với một phương tiện thông thường dung xăng dầu hay khí.
Việc chỉ dẫn chiếu đến phương tiện giao thông có lý của nó vì hiện tổng mức khí thải từ nhóm này vẫn chiếm ¼ lượng khí thải từ các loại có dùng thiết bị buồng đốt, trong đó xe giao thông đường bộ chiếm lớn nhất. Đây được xem như căn cứ để Trung Quốc xác định nâng gấp đôi công suất sản xuất thiết bị lưu điện trước năm 2025 so với tổng công suất của các nước còn lại.
Việc giảm đến 0 mức khí thải hây hiệu ứng nhà kính không có nghĩa là không tạo ra khí thải loại này, nếu nhìn vào các con số tuyệt đối, không riêng gì Trung Quốc mà với bất cứ quốc gia nào. Cách dễ hình dung là song song với việc tạo ra khí thải, một quốc gia sẽ phải có các cách tiếp cận khác để hấp thụ toàn bộ (trong điều kiện lý tưởng) lượng khí thải ra. Đó là nhiệm vụ của các giải pháp xanh, như phủ xanh đất trống bằng cây trồng hòng hấp thụ khí CO2.
Thế giới rõ ràng là cần Trung Quốc xanh hơn. “Trung Quốc mà không giảm khí thải CO2 thành công, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được biến đổi khí hậu”, giáo sư David Tyfield từ Trung tâm Môi trường Lancaster (Anh) nhận xét.
Ông Tyfield nhìn thấy ở Trung Quốc các lợi thế ít quốc gia làm được, đó là năng lực triển khai và giám sát các chiến lược phát triển dài hạn cũng như năng lực huy động đầu tư quy mô lớn. Phải chăng đó cũng là một gánh nặng mà một quốc gia có vị thế toàn cầu phải nhận?
Nhìn dưới góc độ tài chính, có đánh giá cho biết, để đạt mục tiêu trung lập khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2060, Trung Quốc cần ngân sách đầu tư khổng lồ trong giai đoạn 2020 – 2050, lên tới 138.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 20.000 tỷ USD và cũng chỉ dành riêng cho lĩnh vực năng lượng. Theo nhóm nghiên cứu từ Viện Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững thuộc Đại học Thanh Hoa, mức đầu tư bình quân chiếm khoảng 2,5% GDP hàng năm. |
Chương trình trồng rừng của Trung Quốc là giải pháp được đánh giá tốt, vừa giảm được xói mòn đất vừa giảm được ô nhiễm không khí. Tốc độ phủ xanh của Trung Quốc cũng được đánh giá là hiện chưa có nước nào đạt bằng. Theo BBC, giới khoa học môi trường thế giới nhìn thấy ở việc Trung Quốc không cho đất nghỉ, sản xuất nông nghiệp theo chu kỳ vụ gối vụ liên tục trong năm cũng là một cách làm sáng tạo. |