Các dấu vết của hổ Siberia hoang dã một lần nữa lại được ghi nhận tại tỉnh Hắc Long Giang nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc.
Ngày 10/8, các dấu vết của hổ Siberia đã được báo cáo tại một địa điểm ven sông thuộc làng Trấn Giang, thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang. Đây là lần thứ ba trong những tháng gần đây, tỉnh này báo cáo về dấu vết của hổ Siberia.
Các chuyên gia chỉ ra rằng số lượng hổ Siberia hoang dã nhiều khả năng được tìm thấy ở Đông Bắc Trung Quốc vì quần thể hoang dã của chúng ở Nga gần như đã bão hòa.
Tại hiện trường, Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ địa phương xác định cá thể hổ này đã di chuyển từ Nga sang Trung Quốc. Cục liền đưa ra cảnh báo với các ngôi làng xung quanh trong khu vực về sự xuất hiện của cá thể hổ và khuyến cáo người dân không vào núi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn để tránh bị thương khi chạm trán với hổ.
Trước sự xâm nhập liên tiếp của các cá thể hổ vào các ngôi làng tại Hắc Long Giang, Tổng cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Trung Quốc cũng thúc giục các nỗ lực loại bỏ mối đe dọa từ hổ hoang dã đối với người dân địa phương, bao gồm việc tiến hành tuần tra và nâng cao nhận thức của người dân trong làng.
Tháng 4, một cá thể hổ Siberia đực đã bị bắt sau khi đi lạc vào một ngôi làng và làm bị thương một người dân ở Hắc Long Giang. Sau đó, cá thể này được thả lại tự nhiên vào tháng 5 tại khu vực núi Trường Bạch vì nơi này đảm bảo một số tiêu chí về độ che phủ rừng, khoảng cách với các ngôi làng và sự sẵn có của con mồi. Tháng 7, một cá thể hổ Siberia khác tiếp tục được phát hiện tại Song Áp Tây.
Sun Quanhui, nhà khoa học thuộc Tổ chức bảo vệ động vật thế giới cho biết trong những năm gần đây, xu hướng hổ xâm nhập vào khu vực phía đông bắc Trung Quốc ngày càng gia tăng. Theo ông, sự gia tăng số lượng hổ Siberia ở Trung Quốc đến từ việc nhà nước nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái và động vật hoang dã trong những năm qua. Môi trường sống của chúng được bảo vệ tốt. Ngoài ra, một số cá thể hổ định cư ổn định ở Trung Quốc và đã bắt đầu sinh sản.
“Camera hồng ngoại và các thiết bị giám sát hiện trường khác cùng được đưa vào sử dụng nên việc tìm kiếm dấu vết hoạt động của hổ Siberia giờ đây dễ dàng hơn bao giờ hết”, Sun nói.
Hổ Siberia còn được gọi là hổ Amur hay hổ Mãn Châu, chúng chủ yếu sinh sống ở phía Đông Nga, Đông Bắc Trung Quốc và phần phía Bắc của Bán đảo Triều Tiên. Các loài này nằm trong danh sách bảo vệ cấp quốc gia số một của Trung Quốc.
“Vì quần thể hổ Siberia hoang dã ở Nga gần bão hòa và sinh sôi nảy nở là bản năng tự nhiên của chúng nên dự kiến sẽ có nhiều hổ Đông Bắc xâm nhập vào Trung Quốc trong tương lai”, Sun lưu ý.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có tổng cộng 55 cá thể hổ Siberia hoang dã đã được phát hiện ở Trung Quốc từ năm 2013 đến năm 2018 – điều này chứng tỏ sự phục hồi quần thể của loài cực kỳ nguy cấp từng được dự đoán sẽ biến mất khỏi đất nước tỉ dân này.
Ý Nhi (Theo globaltimes.cn)