“Chúng ta không chỉ nhìn vào phổi mà cần đánh giá toàn thân, quan tâm đến ý thức, phản xạ ăn uống của bệnh nhân”, GS Nguyễn Gia Bình nói.
Chia sẻ tại buổi tập huấn phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế mới đây, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết trước đây triệu chứng lâm sàng ở các bệnh nhân Covid-19 chủ yếu là sốt, ho, đau cơ, khó thở nhưng hiện nay với sự xuất hiện của biến chủng Delta, các triệu chứng dần thay đổi.
Tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng giảm
Ông nhận định bệnh nhân trong đợt bùng phát dịch này thường bị đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy… Nhiều trường hợp F0 được phát hiện tại cơ sở y tế khi tình cờ đi khám bệnh liên quan các chuyên khoa khác.
Với biến chủng mới, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng là 50-60% (trong các đợt dịch trước, tỷ lệ này là 80%); 30% người có biểu hiện nhẹ giống cảm cúm thông thường; 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc; 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO.
Giải thích rõ hơn về cơ chế xâm nhập của SARS-CoV-2, GS Bình cho biết lâu nay hầu hết mọi người đều nghĩ virus chỉ tấn công phổi, gây tổn thương cơ quan này. Thực tế, virus còn tấn công hàng loạt cơ quan trong cơ thể. Do đó, chúng ta không nên chỉ quan tâm chỉ số oxy trong máu (SpO2).
Ông phân tích SARS-CoV-2 chui qua tế bào niêm mạc hô hấp, thông qua các thụ thể ACE2 và TMP1, sau đó chuyển ARN thông tin để chỉ huy các tế bào, tổng hợp thành phần và tái tạo ra nhiều virus mới, từ đó phá hủy tế bào cũ. Sau đó, chúng theo đường máu đi khắp nơi.
Vì vậy, Covid-19 không chỉ gây bệnh ở phổi, tạo ra cơn bão cytokine mà còn gây bệnh toàn thân, tấn công hàng loạt cơ quan như não, thận, gan, tim, tụy…
Virus SARS-CoV-2 gây tổn thương các cơ quan theo 2 cách. Thứ nhất là tấn công trực tiếp. Thứ hai là gián tiếp qua cơ chế miễn dịch gây ra hiện tượng tăng đông, hoạt hóa tiểu cầu, tổn thương tế bào, hình thành huyết khối trong các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.
“Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở phổi bệnh nhân Covid-19 có rất nhiều nơi bị tắc, không chỉ ở động mạch, mao mạch phế nang mà cả tĩnh mạch phổi. Cục máu đông của tĩnh mạch phổi sẽ theo dòng máu đi về tâm nhĩ trái, gây tắc mạch toàn thân. Điều đó giải thích vì sao Covid-19 gây huyết khối tắc mạch và đi khắp nơi trong cơ thể”, GS Bình cho biết.
Qua giải phẫu các trường hợp tử vong do Covid-19, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân bị tắc mạch khá lớn, cao gấp 9 lần so với nhóm bệnh nhân nhiễm các virus giống như cúm.
Ông thông tin hình ảnh chụp cắt lớp vi tính các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay Bắc Ninh cũng phát hiện tình trạng nhồi máu phổi (cục máu đông trong phổi), không phải viêm phổi thông thường.
Khoảng 20-50% ca nhồi máu phổi theo cơ chế truyền thống, số còn lại nhồi máu tại các mao mạch phổi, tĩnh mạch phổi, dẫn đến suy tim cấp, gây ra những cái chết đột ngột. Kết luận này được chứng minh khi giải phẫu các ca tử vong.
Theo GS Bình, do phổi bị đông đặc, tắc mạch, hầu hết bệnh nhân Covid-19 nặng thường phải thở máy rất lâu vì tiêu cục máu đông không dễ. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện trên bệnh nhân Covid-19 tử vong có hiện tượng xuất huyết, chảy máu.
Can thiệp sớm hơn để giảm tỷ lệ tử vong
GS Bình đánh giá trong đợt dịch đang diễn ra, tỷ lệ tử vong của Việt Nam liên tục tăng do quá tải tại các cơ sở điều trị, đặc biệt khu vực phía Nam.
Để giảm tỷ lệ này, chuyên gia này cho rằng chúng ta cần hạn chế số lượng người nhiễm mới thông qua giãn cách và bệnh nhân nhẹ chuyển nặng.
Bộ Y tế đã phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 để tránh quá tải. Các bệnh nhân được phân loại thành 3 nhóm gồm người có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng; nhóm bệnh nhân trung bình, các trường hợp triệu chứng nhẹ nhưng kèm bệnh nền; nhóm nguy kịch, biểu hiện suy hô hấp nặng.
Khi điều trị, GS Bình lưu ý ngoài quan tâm đến tình trạng hô hấp của người bệnh, nhân viên y tế cần chú ý đến tuần hoàn và các cơ quan khác. Bởi khoảng 15-20% bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim và tắc mạch, 5-10% tổn thương thận, tổn thương gan, biến chứng trong não…
Các bệnh nhân suy hô hấp nhẹ có thể thở oxy dòng thấp, liều lượng thấp 2-5l/phút. Trường hợp nặng hơn cần được thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, thở không xâm nhập, thở máy xâm nhập.
“Chúng ta đừng quá quan tâm đến chỉ số SpO2, không bao giờ chỉ nhìn vào phổi mà cần nhìn toàn thân, quan tâm đến ý thức, mệt cơ, các phản xạ ăn uống của bệnh nhân”, GS Bình nhấn mạnh.
Để chống rối loạn đông máu, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc chống đông từ sớm dựa trên kinh nghiệm điều trị tại Bắc Ninh. Tại đây, trong số hơn 700 F0 có triệu chứng được dùng Dexamethasone sớm chỉ có 10 ca tử vong. Nếu áp dụng phác đồ này sớm, sẽ có ít bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên.
Trường hợp xuất hiện cơn bão cytokine cũng xử lý tương tự và kết hợp lọc máu hấp phụ (lọc máu kết hợp dùng quả lọc hấp phụ cytokine hay các chất kháng viêm) từ ngay khi bệnh nhân thở HFNC, không đợi đến khi thở máy, ECMO.
Theo GS Bình, trong điều trị Covid-19 quan trọng nhất là nhân lực. Nếu có máy móc nhưng nhân viên y tế không có chuyên môn thì không thể xử lý tốt. Đồng thời, việc điều trị cần có sự phối hợp của nhiều bác sĩ ở tất cả chuyên khoa, bệnh viện.
“Hiện tại, chúng ta phải kết hợp với nhau. Bởi việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng rất vất vả, tốn kém. Hiện tại, các bác sĩ phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày”, GS Bình chia sẻ.