Cơ quan Khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) vừa công bố “vùng chết” mới của Vịnh Mexico năm nay – đã lan rộng đáng sợ so với dữ liệu 5 năm trước, đủ làm ngạt thở mọi sinh vật bén mảng tới.
“Vùng chết” là một khu vực biển rất thiếu oxy, nhiều nơi gần như là không có, khiến những sinh vật biển nào không may lọt vào đều bị giết chết. Theo tính toán mới của NOAA, “vùng chết” của Vịnh Mexico năm nay đã lan rộng trên diện tích hơn 16.000 km2, lớn hơn cả bang Connecticut (Mỹ).
Sự xuất hiện của những vùng chết trên biển chủ yếu do hoạt động của con người dẫn đến biển đổi khí hậu, kích thích tảo sinh sôi và hiện tượng “tảo nở hoa” ven các bờ biển, đại dương.
Mỗi năm, các chất không mong đợi thải ra từ thành phố, các trang trại và nhiều khu vực khác chảy vào vịnh, kích thích sự phát triển của tảo trong suốt mùa xuân và mùa hè. Sau đó tảo chết đi, chìm xuống và phân hủy. Các vi khuẩn sẽ “nuốt chửng” một lượng oxy lớn trong quá trình phân hủy tảo ở vùng nước gần đáy biển. Kết quả là nồng độ oxy thấp ở gần đáy không còn đủ để hầu hết các sinh vật biển sinh sống.
Theo NOAA, hầu hết sinh vật biển sẽ chết, hoặc nếu có thể di chuyển, chúng sẽ rời khỏi các vùng không phù hợp để sống này. Tuy nhiên, chỉ tiếp xúc vài phút với những vùng sa mạc sinh học này cũng có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn, tốc độ tăng trưởng và sinh sản của cá. Vùng chết cũng làm cho một số loài, ví dụ như tôm, trở nên hiếm hơn.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch kiểm tra vùng chết để tìm cách giảm kích thước cũng như giảm thiểu tác động của nó đến tài nguyên biển và nền kinh tế.
Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều vùng chết như thế này được ghi nhận. Khi điều đó xảy ra, sinh vật bản địa sẽ phải di cư đến nơi khác. Môi trường sống thu hẹp và cuộc chạy trốn đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và sự phát triển của các loài sinh vật biển.