Cam kết của chính phủ Thái Lan trong việc tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022 hiện đang không đạt được, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).
Báo cáo cho biết quần thể hổ hoang dã đang giảm trên toàn bộ lục địa Đông Nam Á. Số hổ hoang dã trong khu vực hiện nay đang ít hơn so với năm 2010, với sự sụt giảm đáng kể đã được báo cáo ở Malaysia, Myanmar và ở mức độ thấp hơn là Thái Lan.
Tuy nhiên, phát hiện của báo cáo trái ngược với nhận xét của Bộ bảo tồn Động vật hoang dã và Thực vật, khi bộ này tuyên bố số lượng hổ hoang dã ở Thái Lan tăng từ 166 con vào năm ngoái lên 177 con trong năm nay, do các chương trình bảo tồn môi trường sống và tuần tra thông minh của nước này.
Bộ trưởng Thanya Nethithammakul cho biết các nhân viên của ông luôn kiên định trong cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên vào năm tới, như được vạch ra trong kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2010-2022.
“Mặc dù số lượng hổ hoang dã ở Thái Lan không tăng gấp đôi, nhưng số lượng của chúng đang tăng lên”, ông nói.
Một trong những nơi cư trú của hổ hoang dã lớn nhất ở Thái Lan là Khu bảo tồn động vật hoang dã Thungyai-Huai Kha Khaeng đã được xếp hạng di sản thế giới, nơi hiện có 89 con hổ. Vào năm 2010, chỉ có 42 con hổ tại khu bảo tồn này, ông nói.
Trong khi đó, tại Khu phức hợp rừng Dong Phayayen-Khao Yai ở phía Đông, hiện có 22 con hổ, tăng gần gấp 3 so với chỉ 8 con vào năm 2010.
Bộ hiện đang đặt mục tiêu tăng cường quần thể hổ hoang dã trong Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan của Phetchaburi, nơi gần đây đã được Unesco xếp vào danh sách Di sản Thế giới.
Ông Sompong Thongseekem, Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Động vật Hoang dã, cho biết bộ sẽ sử dụng một mô hình tương tự đã được áp dụng tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Thungyai-Huai Kha Khaeng trong Khu phức hợp Rừng Kaeng Krachan.
“Chắc chắn sẽ mất thời gian, nhưng thành công sẽ có ý nghĩa về mặt bảo tồn một cách bền vững”, ông Sompong nói. “Với diện tích của khu phức hợp Kaeng Krachan, khu này có thể chứa tới 100 con hổ hoang dã. Hiện khu phức họp có 11 con hổ đang ở đó”.
Ông Sompong cho biết cơ quan của ông đã lên kế hoạch tạo ra các hành lang bảo vệ động vật hoang dã kết nối Khu phức hợp rừng Kaeng Krachan và các khu bảo tồn thiên nhiên khác ở phía Tây, nhưng dự án hiện đã bị tạm dừng do nhiều cộng đồng bản địa được tìm thấy sống trong khu vực.
Trong khi đó, ông Ittiphon Thaikamol, trưởng Vườn quốc gia Kaeng Krachan, cho biết việc tăng cường tuần tra thông minh là rất quan trọng đối với nỗ lực của chính phủ nhằm gia tăng quần thể hổ hoang dã ở Kaeng Krachan.
Ông cho biết kế hoạch này có khả năng thành công, vì hổ con thường xuyên được phát hiện trong khu phức hợp rộng lớn. Ông nói rằng gần đây, một con hổ đực nhỏ đã được phát hiện bởi một cái bẫy camera đặt trong rừng.
“Sự tham gia của địa phương là rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của những nỗ lực này, vì vậy tôi muốn thu hút sự tham gia của các cộng đồng địa phương”, ông nói thêm.
Ủy ban Di sản Thế giới của Unesco gần đây đã công nhận Khu phức hợp Rừng Kaeng Krachan là Di sản Thế giới bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người thiểu số Karen trong khu vực, vốn đã cáo buộc chính phủ vi phạm nhân quyền.
Theo báo cáo của WWF, bẫy do những kẻ săn trộm để lại vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á. Ước tính có khoảng 12 triệu cạm bẫy trên mặt đất khắp các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam, những quốc gia nơi hổ đã bị coi là tuyệt chủng.
Các mối đe dọa lớn khác đối với loài hổ bao gồm mất môi trường sống do phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác bất hợp pháp và mở rộng nông nghiệp, cũng như buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ. Khoảng 1.004 con hổ nguyên con đã bị bắt giữ từ năm 2000 đến năm 2018 ở Đông Nam Á, trong khi 8.000 con hổ được ước tính đang bị nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Hiện tại, các địa điểm bảo tồn hổ chính của WWF tại Thái Lan bao gồm Vườn quốc gia Mae Wong, Vườn quốc gia Khlong Lan, Vườn quốc gia Khlong Wang Chao và Khu bảo tồn động vật hoang dã Umphang, nơi có từ 13 đến 17 con hổ hoang dã.