Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã kêu gọi Nhật Bản và các nước Mê Kông tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là phục hồi hệ sinh thái của lưu vực sông Mê Kông.
Tuyên bố được ông Don Pramudwinai đưa ra tại Hội nghị Hợp tác Mê Kông-Nhật Bản lần thứ 14 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 6/8.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Don Pramudwinai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận phổ cập và bình đẳng vaccine và ủng hộ hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng giữa Thái Lan và Nhật Bản nhằm hỗ trợ các nước láng giềng chống đại dịch Covid-19.
Ông Don Pramudwinai gợi ý con đường phía trước cho sự phục hồi kinh tế ở tiểu vùng sông Mê Kông bằng cách tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và nâng cao tính ổn định và khả năng phục hồi thông qua tạo thuận lợi cho việc đi lại, và thúc đẩy kết nối vật lý, phần mềm và kỹ thuật số, cũng như kiến thức kỹ thuật số và an ninh mạng, nhằm giúp các khu vực công, tư nhân và nhân dân ứng phó với môi trường bình thường mới.
Phó Thủ tướng Thái Lan cũng nêu bật sự cần thiết phải thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới trong thời kỳ hậu Covid-19 thân thiện với môi trường và khí hậu trong tiểu vùng và đề xuất sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Mô hình Kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) của Thái Lan và Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Nhật Bản.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mê Kông và Nhật Bản đã trao đổi về những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hợp tác Mê Kông-Nhật Bản, đặc biệt là việc ứng phó với đại dịch Covid-19 vẫn là một thách thức toàn cầu, cụ thể là tiếp cận vaccine. Về vấn đề này, các nước Mê Kông bày tỏ đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ và tài trợ vật tư y tế và vaccine cho các nước tiểu vùng Mê Kông.
Hội nghị cũng thảo luận về các cách thức thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua thương mại, đầu tư, du lịch, trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối toàn diện, số hóa và các mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, bao gồm Chiến lược Tokyo mới thay thế chiến lược hiện tại sẽ hết hiệu lực trong năm nay.