Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời báo chí xung quanh việc siết chặt kiểm tra giấy đi đường gây hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người.
Là biện pháp để chặn dịch
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường nhằm giảm lượng người ra đường, góp phần bảo đảm giãn cách xã hội thực chất. Đây là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bùng phát rộng, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân. Thành phố mong người dân, các cơ quan, tổ chức hợp tác, chia sẻ.
Nguyên tắc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã nêu rõ yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn thành phố bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thực tiễn cho thấy sau hơn 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, một trong những hạn chế lớn nhất là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm yêu cầu trên. Số người ra đường còn đông, trong đó có không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch; một phần làm cho tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng người dân nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục.
Đứng trước thực tế đó, ngày 7/8, UBND thành phố có Văn bản số 2562/UBND-KT về việc “Siết chặt việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, trong tổ chức thực hiện còn để xảy ra hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số địa điểm trên địa bàn. Thành phố sẽ điều chỉnh việc kiểm tra cho thực chất, phù hợp hơn và tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng.
Kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, để thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, Hà Nội sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp mạnh nhằm bảo đảm nguyên tắc giãn cách xã hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Từ đó thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về kiểm tra, kiểm soát và xác nhận giấy đi đường đúng đối tượng, đúng mục đích, góp phần thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ đạo các địa phương từ cấp quận, huyện đến cấp xã, thị trấn có kế hoạch, hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường từ các chốt ở thôn, xóm, tổ dân phố.
“Kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.
Các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến Công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.