Ngoài 8 con đã chết, 9 cá thể hổ còn lại đang được chăm sóc tại một khu sinh thái ở Nghệ An trong tình trạng sức khỏe yếu, nhiều con chưa chịu ăn.
Ngày 8/8, Công an tỉnh Nghệ An đang làm rõ nguyên nhân cái chết của 8 trong 17 con hổ được phát hiện bị nuôi nhốt trái phép tại nhà hai hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, hôm 4/8.
Cơ quan chức năng ban đầu nhận định hổ chết do ngấm thuốc mê quá lâu, hoặc do quá trình vận chuyển dài khiến hổ kiệt sức. Hiện những cá thể hổ này đã được cấp đông để phục vụ điều tra. Trong khi đó, sức khỏe của 9 cá thể còn sống sót cũng đang được nhiều người quan tâm.
Ông Nguyễn Ích Hiếu, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An), cho biết đơn vị đã tiếp nhận và đang chăm sóc 9 con hổ này.
“Khi tiếp nhận 17 cá thể hổ, 8 con đã chết nên đơn vị cho vào kho đông để bảo quản, phục vụ công tác điều tra. 9 con còn lại trong tình trạng rất yếu, có con còn chưa ăn miếng thịt nào hoặc ăn rất ít”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, các cá thể hổ này bị nuôi nhốt dưới hầm quá lâu nên khi ra môi trường bình thường cùng với quá trình vận chuyển dưới nắng nóng khiến hổ yếu đi.
Đơn vị đã bố trí các nhóm thú y cứ cách 2 giờ lại thăm khám cho hổ và báo cáo tình trạng để có hướng chăm sóc phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), cho biết việc 8 cá thể hổ bị chết sau khi được “giải cứu” là điều không ai mong muốn.
Mỗi cá thể hổ này đã trưởng thành, đạt khối lượng 200-250 kg, nhưng phải sống trong những chiếc cũi chật hẹp, ẩm mốc, thiếu ánh sáng và không được hưởng những quyền sống cơ bản của động vật. Chính điều kiện sống này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng.
Ông Thái cũng nhận định việc thả các cá thể hổ còn lại về môi trường tự nhiên là không khả thi. Thay vào đó, có thể đưa vào các khu chăm sóc mang tính bảo tồn, giáo dục.
“Những cá thể hổ này được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên nên có thể chết. Hơn nữa, hổ có thể tấn công người”, ông nói.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho rằng việc chuyển những con hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp, nhân văn nhất.
Tuy nhiên, không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các con hổ này do việc nhận nuôi hổ phải đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường sống và chi phí thức ăn, chăm sóc rất cao.
Sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất nhà ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi, cùng ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), phát hiện 17 con hổ đã trưởng thành (200-265 kg/con) được nuôi nhốt trái phép.
Chủ nhà khai nhận mua số hổ này từ Lào khi hổ còn nhỏ, sau đó cải tạo hệ thống chuồng trại, xây tầng hầm với diện tích khoảng 80-120 m2 rồi chia thành từng ô rộng khoảng 4 m2 để nuôi nhốt.
Số cá thể hổ này hiện được chuyển đến khu sinh thái ở xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) để chăm sóc, phục vụ công tác điều tra. Ngày 6/8, trong số 17 cá thể hổ này, 8 con được xác định đã chết. Cơ quan chức năng đã cấp đông số cá thể hổ này để phục vụ điều tra.