Vũ khí sinh học gieo rắc các sinh vật gây bệnh hoặc chất độc để gây hại hoặc giết người, động vật, thực vật. Chúng thường bao gồm hai phần: tác nhân vũ khí sinh học và cơ chế phân phối vũ khí sinh học.
Ngoài các ứng dụng quân sự chiến lược hoặc chiến thuật, vũ khí sinh học có thể được sử dụng cho các vụ ám sát chính trị, lây nhiễm gia súc hoặc nông sản để gây ra tình trạng thiếu lương thực và thiệt hại kinh tế, tạo ra thảm họa môi trường và gây ra bệnh tật lan rộng, nỗi sợ hãi cùng sự ngờ vực trong cộng đồng.
Tác nhân vũ khí sinh học
Hầu hết mọi sinh vật gây bệnh (chẳng hạn như vi khuẩn, virus, nấm, prion – yếu tố gây bệnh có bản chất là protein hoặc rickettsiae – ký sinh trùng tự nhiên) hoặc độc tố (chất độc có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoặc vi sinh vật hoặc các chất tương tự được sản xuất tổng hợp) đều có thể được sử dụng trong vũ khí sinh học.
Các tác nhân có thể được tăng cường từ trạng thái tự nhiên để phù hợp hơn với việc sản xuất hàng loạt, lưu trữ và phổ biến làm vũ khí. Các chương trình vũ khí sinh học trong lịch sử đã bao gồm các nỗ lực sản xuất: aflatoxin (chất độc tạo thành trong bào tử của nấm aspergillus flavus); bệnh than; độc tố botulinum (sinh ra bởi vi khuẩn clostridium botulinum); bệnh tay chân miệng; glanders (bệnh loét mũi truyền nhiễm từ ngựa hoặc lừa); bệnh dịch hạch; bệnh sốt Q; bệnh đạo ôn; chất độc ricin (được tìm thấy trong các hạt thầu dầu); bệnh sốt phát ban Rocky Mountain; bệnh đậu mùa; bệnh tularaemia (bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn francisella tularensis gây ra), và đây chỉ là một số trong nhiều những tác nhân khác.
Cơ chế phân phối
Hệ thống phân phối vũ khí sinh học có thể có nhiều dạng khác nhau. Các chương trình trước đây đã chế tạo tên lửa, bom, lựu đạn cầm tay, thậm chí tên lửa đạn đạo để cung cấp vũ khí sinh học. Một số chương trình cũng thiết kế bình phun để lắp cho máy bay, ô tô, xe tải và tàu thuyền; một số khác phát triển các thiết bị phân phối cho các hoạt động ám sát hoặc phá hoại, bao gồm nhiều loại bình xịt, bàn chải và hệ thống thuốc tiêm cũng như các phương tiện làm ô nhiễm thực phẩm và quần áo.
Ngoài mối lo ngại rằng vũ khí sinh học có thể được phát triển hoặc sử dụng bởi các quốc gia, những tiến bộ công nghệ gần đây có thể làm tăng khả năng các vũ khí này được mua hoặc sản xuất bởi các tổ chức phi nhà nước, bao gồm các cá nhân hoặc tổ chức khủng bố. Thế kỷ 20 chứng kiến việc sử dụng vũ khí sinh học của các cá nhân và nhóm thực hiện hành vi phạm tội hoặc ám sát có chủ đích, chiến tranh sinh học do các quốc gia tiến hành và việc vô tình giải phóng mầm bệnh từ các phòng thí nghiệm. Cũng có những cáo buộc sai lầm về việc sử dụng vũ khí sinh học, gây khó khăn trong việc phân biệt giữa bệnh tật tự nhiên, tai nạn và việc sử dụng có chủ ý.
Trên thực tế, nếu một sự kiện dịch bệnh đáng ngờ xảy ra, sẽ rất khó xác định xem nó là do thiên nhiên, tai nạn, phá hoại, hay do hành động chiến tranh sinh học hoặc khủng bố. Do đó, phản ứng đối với một sự kiện sinh học, dù là tự nhiên, tình cờ hay cố ý, sẽ liên quan đến sự phối hợp của các tác nhân từ nhiều lĩnh vực cùng sở hữu khả năng xác định nguyên nhân và gán nó cho một nguồn cụ thể. Tương tự như vậy, việc chuẩn bị và phòng ngừa sự kiện này cũng cần có sự phối hợp của nhiều ngành.
Do các mối nguy sinh học tiềm ẩn trên phạm vi rộng, các nỗ lực quản lý rủi ro cần được phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực và trên hết là phải có sự phối hợp. Công ước về vũ khí sinh học (BWC) năm 1972 chủ yếu dựa vào cách tiếp cận mạng lưới dựa trên sự phối hợp với các sáng kiến và tổ chức quốc tế, khu vực và tổ chức phi chính phủ nhằm giải quyết bản chất liên kết của các mối đe dọa sinh học một cách tổng thể.
Theo tổ chức khung của BWC, sự phối hợp được cải thiện sẽ cung cấp các yếu tố bên ngoài tích cực để quản lý bệnh tật, bất kể nguyên nhân là gì. Cách tiếp cận như vậy đảm bảo rằng các nguồn lực được sử dụng một cách tối ưu để mang lại lợi ích cho nhiều người. Theo nghĩa này, ví dụ, xây dựng năng lực giữa các lĩnh vực để giám sát dịch bệnh không chỉ tăng cường khả năng phát hiện và ứng phó với một cuộc tấn công sinh học mà còn cung cấp cho các quốc gia khả năng theo dõi và giảm thiểu dịch bệnh xảy ra tự nhiên, do đó cải thiện đáng kể sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.
Mai Lan (Theo un.org)