Vào tháng 9-2020, một vườn thú tư nhân ở New Zealand quyết định chấm dứt nuôi thú hoang dã. Thay vào đó ông sẽ cho chiếu hình thú 3D mỗi khi phục vụ trẻ em. Một cậu bé 7 tuổi sau khi tham quan vườn thú đặc biệt này nói: “Con rất thích. Không còn con thú nào phải xa mẹ”.
Câu chuyện trên biểu đạt cho một cách nhìn tiến bộ hơn về thế giới động vật mà mục tiêu là tạo tinh thần tương hỗ giữa trẻ em và thế giới tự nhiên trong tương lai: loài nào cũng cần cuộc sống tự do.
Dẫn chứng câu chuyện trên để thấy việc đánh giá về tự nhiên, đặc biệt là động vật hoang dã đã thay đổi rất lớn và buộc phải được nhìn nhận dưới góc độ đạo đức. Ở Việt Nam, từ đầu năm 2019, Tổ chức Động vật châu Á đã thỏa thuận với công ty du lịch và nhiều người dân nuôi voi ở Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để thả voi về tự nhiên. Những con voi kiệt sức sau nhiều năm phải kéo gỗ, chở khách du lịch, bị nhổ lông, cưa ngà làm vật trang sức nay đã được dạo bước trong chính cánh rừng mà nhiều thế hệ loài này đã góp phần làm xanh tươi.
Nhưng những câu chuyện đẹp như trên còn quá ít ở nước ta. Động vật hoang dã bị bắt nhốt, giết hại vẫn còn xảy ra ở rất nhiều địa phương. Ngày 4-8 tại tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng phát hiện 3 gia đình nuôi 17 con hổ to lớn. Những con hổ này đã nuôi được nhiều năm nhưng chính quyền địa phương nói rằng không hề hay biết. Trước đó vài ngày, cũng tại tỉnh này, lực lượng công an cũng phát hiện một người chở 7 con hổ con đi tiêu thụ. Còn nuôi nhốt gấu, chó sói, thậm chí là tê giác cũng diễn ra rất nhiều ở các địa phương.
Trước hết, chỉ nói về mặt an toàn, chỉ cần những con thú kia sổng chuồng thì hậu quả không lường nổi. Gấu nuôi giết chủ, hổ vồ người… đã từng xảy ra ở nước ta.
Ngoài một số ít nơi thuộc hệ thống nhà nước nuôi động vật hoang dã để nghiên cứu khoa học, còn lại đều phục vụ mục đích kinh doanh. Có nơi kinh doa
nh theo mô hình công viên, vườn thú bán hoang dã. Có nơi là trực tiếp giết hại để bán sản phẩm: nuôi gấu khai thác mật, nuôi hổ để lấy da và dùng xương nấu cao, nuôi tê giác lấy sừng… Không thống kê cụ thể nhưng đây là ngành kinh doanh béo bở và từ lâu đã hình thành hẳn một thị trường. Pháp luật hiện hành quy định rất chặt chẽ nhưng vì lợi nhuận quá cao, lách luật cũng không khó nên thực trạng này vẫn hiển nhiên tồn tại. Nói người nuôi thú cũng đúng mà thú nuôi người cũng không sai.
Ở bình diện rộng hơn, ngăn chặn nuôi nhốt động vật hoang dã trên khắp thế giới đã trở thành xu hướng tất yếu và thuyết phục được lãnh đạo của các quốc gia. Những vườn thú nuôi nhốt dù ở điều kiện tốt nhất vẫn là cầm tù, kể cả nuôi bán hoang dã. Họ đã thay cách làm này bằng chương trình hữu ích hơn là thành lập các vườn quốc gia và bảo tồn nghiêm ngặt. Nuôi nhốt một con thú đã là hành vi dã man.
Cấm nuôi nhốt động vật hoang dã còn biểu thị thái độ tôn trọng tự nhiên, từ là nơi cung cấp vật tư sinh tồn, tiến đến là cộng sinh và cao hơn là hy vọng trong bất trắc sẽ thành nơi tị nạn của nhân loại trong ý nghĩa trái đất là một mái nhà. Bài học này đã muộn với thế hệ chúng ta nhưng cần thiết và đẹp đẽ cho thế hệ kế tiếp.