Tổ chức từ thiện Oxfam cảnh báo, các chính phủ và doanh nghiệp không nên hy vọng trồng cây và phục hồi rừng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, vì những hành động này có thể làm tăng giá lương thực ở các nước đang phát triển.
Trồng cây được coi là một trong những cách quan trọng để giải quyết khủng hoảng khí hậu, nhưng lượng đất cần thiết cho những khu rừng như vậy sẽ rất lớn và việc trồng dù chỉ một phần nhỏ diện tích cần thiết để bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu sẽ có những hậu quả lên giá lương thực.
Ít nhất phải cần tới 1,6 tỷ hecta, tương đương 5 lần diện tích của Ấn Độ, tương đương với tất cả diện tích đất hiện đang được canh tác trên hành tinh, để đạt được mục tiêu cân bằng lượng khí thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050 bằng phương pháp trồng rừng. Mặc dù không ai đề nghị trồng cây ở mức độ đó, nhưng các tác giả của báo cáo cho biết họ đã đưa ra ý tưởng về quy mô trồng cần thiết, nhưng kế hoạch cũng nên tạm dừng nếu khiến giá lương thực tăng.
Bà Nafkote Dabi, trưởng nhóm chính sách khí hậu tại Oxfam và là đồng tác giả của báo cáo, giải thích: “Rất khó để nói cần bao nhiêu đất khi các chính phủ không công bố rõ kế hoạch của mình nhằm đạt được mục tiêu giảm khí thải bằng 0. Nhưng nhiều quốc gia và công ty đang nói về việc trồng rừng và tái trồng rừng, và câu hỏi đầu tiên là: đất này sẽ đến từ đâu?”.
Theo một số ước tính, giá lương thực có thể tăng 80% vào năm 2050, nếu việc bù đắp lượng khí thải thông qua lâm nghiệp được sử dụng quá mức. Khoảng 350 triệu ha đất, một diện tích gần bằng Ấn Độ, có thể được sử dụng để bù đắp mà không làm ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp trên toàn thế giới.
Bà Dabi nói: “Đã có hàng trăm triệu người trên thế giới đang đói. Chúng ta cần tham khảo ý kiến của các quốc gia về cách họ sử dụng đất của mình, và các quốc gia và công ty cần giảm lượng khí thải trước khi dựa vào một hệ thống cân bằng thứ ba. Chúng ta cũng cần giảm lượng khí thải từ nông nghiệp, nguồn phát thải lớn thứ hai trên toàn cầu”.
Báo cáo cũng cho thấy rằng hai trong số các biện pháp bù đắp được sử dụng phổ biến nhất là trồng lại rừng và trồng rừng mới, là một trong những biện pháp tồi tệ nhất gây nguy cơ an ninh lương thực. Theo phân tích, các giải pháp tối ưu hơn dựa vào tập trung vào quản lý rừng tự nhiên và các dự án nông lâm kết hợp. Điều này sẽ cho phép mọi người sử dụng đất để làm thực phẩm trong khi vẫn cô lập carbon.
Bà Dabi giải thích: “Chúng tôi không chống lại việc trồng rừng và tái trồng rừng, và chúng tôi không muốn ngăn cản mọi người làm những việc này. Nhưng chúng không nên được sử dụng ở quy mô lớn và nên kết hợp với các phương pháp khác như nông lâm kết hợp”.
Bà đưa ra ví dụ về Thụy Sĩ, quốc gia đang có kế hoạch bù đắp khoảng 12,5% lượng khí thải thông qua các dự án trồng rừng ở các quốc gia khác, bao gồm cả Peru và Ghana. Oxfam ước tính để đạt được mục tiêu đó, khu rừng sẽ có diện tích bằng Costa Rica.
Một số công ty cũng đang có kế hoạch sử dụng bù đắp carbon dựa trên cây cối và đất đai như một phần trong nỗ lực của họ để đạt được mức phát thải ròng bằng không. Oxfam nhận thấy rằng nhiều kế hoạch trong số này, kết hợp với nhau, có thể dẫn đến việc sử dụng đất đai quá mức.
Ví dụ, bốn công ty năng lượng hàng đầu sẽ yêu cầu diện tích lớn gấp đôi Vương quốc Anh để cho lượng phát thải của mình. Theo ước tính của Oxfam, Shell sẽ cần khoảng 28,6 triệu hecta rừng vào năm 2050, trong khi TotalEnergies có kế hoạch bù đắp khoảng 7% lượng khí thải của mình, cần khoảng 2,6 triệu hecta rừng vào năm 2050. Eni, một công ty năng lượng khác, có kế hoạch cho 8 triệu hecta lâm nghiệp.
Theo Oxfam, BP chưa đưa ra kế hoạch cụ thể, nhưng có khả năng cần tới 22,5 triệu hecta để bù đắp 15% lượng khí thải của mình. Ông Danny Sriskandarajah, giám đốc điều hành của Oxfam tại Anh đã kêu gọi các công ty và chính phủ cắt giảm đáng kể lượng khí thải thay vì dựa vào bù đắp.